BusMap, bạn đồng hành cho người… 'mù đường'

Chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, tất cả lộ trình xe buýt, thời gian xe chạy, các điểm tuyến nối tiếp… sẽ hiển thị rõ ràng.

Startup Lê Yên Thanh giới thiệu công nghệ tra cứu xe buýt (BusMap).

Startup Lê Yên Thanh giới thiệu công nghệ tra cứu xe buýt (BusMap).

Người sử dụng chỉ cần lên xe mà không cần phải thông thuộc giao thông thành phố.

“Người bạn đường” của sinh viên

Là một trong những startup khởi nghiệp công nghệ đình đám, anh Lê Yên Thanh, CEO BusMap chia sẻ những ứng dụng cải tiến, cập nhật mới nhất về giải pháp giao thông công cộng của mình.

Ứng dụng BusMap được Thanh bắt tay làm năm 2016 ban đầu nhằm mục đích giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển bằng xe buýt tại TPHCM tìm được lộ trình phù hợp nhất. Cụ thể, BusMap sẽ định vị, tính toán tuyến đường di chuyển tối ưu nhất để gợi ý cho người dùng.

Ứng dụng này có các tính năng vượt trội như: Tra cứu thông tin chi tiết các tuyến, tích hợp di chuyển đa phương thức, chỉ dẫn từng bước, xem thời gian thực xe đến trạm và nhận thông báo tức thời.

Giao diện tra cứu xe buýt trên BusMap được cải thiện liên tục từ thời gian đầu triển khai dựa trên góp ý của người dùng, giúp cho BusMap có một giao diện thân thiện và dễ sử dụng cho người đi xe buýt.

Kể cả những người mới bắt đầu sử dụng loại hình giao thông công cộng này vẫn có thể dùng một cách dễ dàng. Người dùng có thể tra cứu tất cả mọi thông tin về các tuyến xe buýt từ biểu đồ giờ, danh sách trạm dừng, đường đi, giá vé, thông tin về xe buýt, đến đánh giá chất lượng...

Một điểm nổi bật khác là tính năng theo dõi lộ trình xe buýt và thông báo khi gần tới trạm. Nó giúp người đi xe buýt chủ động hơn trong lộ trình đi xe cũng như tránh tình trạng xuống nhầm tuyến.

Ngoài ra, tính năng thông báo đọc tên trạm bằng giọng nói có thể hỗ trợ người khiếm thị sử dụng phương tiện công cộng. Kể cả khi không có Internet, BusMap vẫn có thể hoạt động với bản đồ offline tích hợp sẵn bên trong ứng dụng. Đây là một trong những điểm đặc biệt của BusMap.

Hiện tại Busmap có hơn 1 triệu lượt tải, 400.000 người dùng thường xuyên mỗi tháng. BusMap đã được triển khai cho người đi xe buýt tại TPHCM hơn 5 năm với sự hỗ trợ thông tin từ Sở GTVT TPHCM. Trung bình mỗi tháng có hơn 10 triệu lượt người sử dụng BusMap để phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe buýt, chiếm khoảng 20% số lượt đi xe buýt hằng tháng.

Đến nay, BusMap đã bắt đầu triển khai cho Hà Nội và đã đạt được hơn 200.000 lượt tải và sử dụng.

“Việc đoạt các giải thưởng với sản phẩm BusMap từ khi còn là sinh viên đã giúp tôi học hỏi, trau dồi kiến thức từ những bạn bè mình. Quan trọng hơn, giải thưởng giúp tôi có những nguồn tài chính nho nhỏ để tiếp tục phát triển sản phẩm.

BusMap ban đầu là ứng dụng hỗ trợ xe buýt dành cho sinh viên. Nhưng khi quyết định khởi nghiệp từ sản phẩm, tôi thấy có nhiều vấn đề cần giải quyết và nghĩ đến bài toán lớn hơn, sử dụng cho nhiều đối tượng hơn.

Vì thế, tôi đặt vấn đề phát triển BusMap thành ứng dụng thực thụ chứ không phải là sản phẩm của sinh viên đem đi thi. Không chỉ là một ứng dụng, tôi kỳ vọng BusMap có thể tạo ra văn hóa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng của người dân, giảm số lượng người đi xe cá nhân, từ đó giảm áp lực về giao thông”, CEO Lê Yên Thanh chia sẻ.

Giao diện tra cứu xe buýt (BusMap) trên điện thoại.

Giao diện tra cứu xe buýt (BusMap) trên điện thoại.

Số hóa giao thông công cộng

Hiện việc tải ứng dụng là hoàn toàn miễn phí. Vậy chi phí vận hành đội ngũ lấy từ đâu, nguồn thu nào “nuôi” BusMap? CEO Lê Yên Thanh cho biết, đội ngũ đang nỗ lực đổi mới mô hình kinh doanh hướng đến khách hàng doanh nghiệp (B2B) và các cơ quan chính quyền địa phương (B2G).

Cụ thể, BusMap cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp thường phải thuê xe đưa đón nhân viên để quản lý xe chạy đúng giờ, đúng tuyến. Với ứng dụng này, các nhân viên rất dễ dàng nắm bắt lịch trình, điểm đến của xe.

“Với BusMap, mục tiêu của chúng tôi không chỉ dừng lại là một ứng dụng cho xe buýt. Chúng tôi sẽ đưa ra các hướng dẫn cho người dùng sử dụng nhiều loại hình phương tiện giao thông công cộng.

Cụ thể như hướng dẫn người dân đến một điểm nào đó sử dụng xe buýt, sau đó tiếp tục hướng dẫn họ sử dụng taxi, xe ôm công nghệ, metro… giúp cho người dùng đi đến điểm đến tối ưu nhất. Những hãng taxi, taxi công nghệ, hay những đơn vị cung cấp dịch vụ về giao thông công cộng khác sẽ là đối tác của chúng tôi trong tương lai.

BusMap có lợi thế với công nghệ lõi về bản đồ mà nhiều công ty gia công công nghệ phần mềm không thể làm được. Vì họ có thể vi phạm chủ quyền biển đảo khi dùng bản đồ của Google.

Hoặc làm được, nhưng không đồng bộ với sản phẩm mục tiêu. Đặc biệt, với các thuật toán tìm đường, gợi ý đường đi, nếu không tự phát triển, mà dùng API của Google, thì sẽ tốn rất nhiều chi phí. Trong khi, với BusMap, chỉ cần 1 máy chủ và phí 40 USD/tháng là đủ đáp ứng cho toàn bộ hệ thống hoạt động”, Thanh phân tích.

Việc triển khai dịch vụ quản lý xe công cần có các thiết bị ứng dụng Internet vạn vật (IoT), định vị hành trình để gắn vào xe. Khi các tuyến metro phát triển, thì hệ thống giao thông công cộng như xe buýt sẽ được cải thiện. CEO Lê Yên Thanh kỳ vọng sẽ số hóa hệ thống xe công cộng ở mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, cung cấp cho người dân thông tin về những lộ trình lý tưởng nhất.

CEO Lê Yên Thanh tiết lộ, BusMap vừa hoàn tất vòng gọi vốn series A (số tiền đầu tư cho startup trong vòng này thường khoảng 3 - 7 triệu USD, nhằm giúp công ty tìm ra mô hình kinh doanh tốt nhất).

Đơn vị rót vốn cho BusMap không phải quỹ đầu tư mạo hiểm, mà là một doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong khá nhiều lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp đến giáo dục - đào tạo. Cái tên này sẽ được “bật mí” trong thời gian sớm nhất.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/busmap-ban-dong-hanh-cho-nguoi-mu-duong-FCGlCe1MR.html