Bứt phá để kịp xu thế phát triển

Bộ phận “một cửa, một cửa liên thông hiện đại” của Sở KH-ĐT hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Qua 5 năm thực hiện Chương trình hành động 06 của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo những bứt phá để kịp với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, góp phần nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh.

Chương trình hành động 06 của Tỉnh ủy đã làm đổi mới tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”; trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân; quyết tâm nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Cải cách TTHC, nhất là lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp là một trong những nội dung được các cấp, các ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm, xem đây là nội dung trọng tâm, tạo bước đột phá trong công tác CCHC, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh. Qua triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, cán bộ được thực hiện chặt chẽ hơn. Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và CBCCVC được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lương Minh Sơn

Niềm vui thể hiện rõ khi ông Trần Văn Hùng, TX Sông Cầu được công chức bộ phận “Một cửa, một cửa liên thông hiện đại” Sở KH-ĐT hướng dẫn các thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân. Ông Hùng chia sẻ: “Qua hướng dẫn tôi hiểu ngay các loại giấy tờ cần thiết cho hồ sơ của mình”.

Giám đốc Sở KH-ĐT Võ Cao Phi cho biết: “Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được sở rất quan tâm, nhất là trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng nhất. Đến nay, Sở KH-ĐT đã gộp thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất vào bước thẩm định chủ trương đầu tư; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh còn 18 ngày làm việc (Chính phủ quy định là 35 ngày làm việc).

Để các doanh nghiệp biết về chính sách của tỉnh cũng như của Trung ương, tỉnh đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tìm hiểu, tiếp cận. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư như: thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tổ chức sinh hoạt “Cà phê doanh nhân” gặp mặt đối thoại giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư; thành lập tổ công tác giúp việc cho các sở, ban ngành và UBND tỉnh nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận các thông tin, thủ tục và quy trình đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành quy chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường công tác bổ trợ tư pháp, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng trong hoạt động này như: công chứng, luật sư, tư vấn, giám định tư pháp… Qua đó, tỉnh đã đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện TTHC, kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Kết quả, năm 2019, PCI của Phú Yên xếp thứ 43 toàn quốc, tăng 8 bậc so với năm 2018, vươn lên nhóm khá.

Xây dựng Chính quyền điện tử

Thực hiện Chương trình hành động 06 của Tỉnh ủy, tỉnh đã triển khai thiết lập, vận hành Trục liên thông văn bản và Cổng dịch vụ công (DVC) trên toàn tỉnh; thực hiện kết nối liên thông văn bản ổn định từ tỉnh đến xã, thực hiện kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản giữa tỉnh với Chính phủ, bộ, ngành; giữa các sở, ngành, địa phương với nhau, kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia. Đi đôi với đó, tỉnh cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp để theo kịp xu thế cách mạng 4.0.

Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến nay đội ngũ CBCCVC toàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn về bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ. Chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã được nâng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2017, 100% CBCC cấp xã đã qua đào tạo trình độ chuyên môn. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thực hiện tốt chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với CCVC.

Theo Giám đốc Sở TT-TT Trần Thanh Hưng, tỉnh đang hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung, tạo môi trường làm việc ổn định, an toàn, an ninh thông tin, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, giảm thời gian, chi phí. Tiến độ xử lý thông tin của tỉnh được công khai trên Cổng thông tin điện tử. Cổng DVC tỉnh kết nối ổn định với Chính phủ; đã duy trì, bảo đảm việc kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ. Một số cuộc họp của tỉnh đã tổ chức trực tuyến với cấp huyện. Hầu hết các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đều triển khai, sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành.

Theo Văn phòng Tỉnh ủy, Cổng DVC trực tuyến thời gian qua được xem là hệ thống duy nhất vừa thực hiện vai trò tiếp nhận và giải quyết TTHC trực tuyến, vừa là hệ thống “một cửa” điện tử để các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, xử lý hồ sơ và công khai kết quả giải quyết, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình nộp hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đến tháng 2/2020, tất cả các hồ sơ TTHC phát sinh giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện qua DVC trực tuyến mức độ 3, 4...

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng

Theo Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành, việc cải thiện chỉ số CCHC, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI luôn được địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Điều này tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành, tạo động lực CCHC quyết liệt và đồng bộ. Qua đó việc vận hành hệ thống quản lý nhà nước ngày càng nhịp nhàng, hiệu quả.

Không chỉ huyện Tuy An, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đảng viên, CBCCVC về nội dung, ý nghĩa, mục đích của CCHC, nâng cao chỉ số PCI, PAPI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dưới nhiều hình thức khác nhau.

Để tăng cường tính năng động và tiên phong gương mẫu của lãnh đạo các cấp trong quản lý, điều hành CCHC, đã có địa phương sửa đổi quy chế làm việc của cấp ủy về việc cho chủ trương để đồng chí phó bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện tạm đình chỉ công tác đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương khối chính quyền cấp huyện trong việc chỉ đạo, điều hành, quản lý không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tạo điều kiện cho người dân tương tác với các cấp chính quyền.

Mặt khác, để nâng cao văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ của CBCCVC, cấp ủy và chính quyền tăng cường công tác chỉ đạo gửi thư xin lỗi khi giải quyết TTHC sai sót, trễ hạn; gửi thư chúc mừng, thư chia buồn đến người dân các sự kiện phù hợp. Qua đó từng bước thay đổi thái độ phục vụ của CBCCVC, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

THÙY THẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/412/246209/but-pha-de-kip-xu-the-phat-trien.html