Bứt phá trong triển khai Đề án 06 phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Triển khai Đề án 06 về 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030', giai đoạn đầu, Vĩnh Phúc gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần, quyết tâm cao của lực lượng Công an tỉnh, đến nay, kết quả triển khai Đề án 06 đã có sự bứt phá ấn tượng, đem lại nhiều tiện ích, phục vụ thiết thực đời sống nhân dân.
Vĩnh Phúc xếp thứ 6 toàn quốc
Nhằm triển khai Đề án 06 đảm bảo theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn và lộ trình của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, cụ thể thông qua nhiều chỉ thị, kế hoạch về thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Các văn bản đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06; xác định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành cũng như huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò là cơ quan thường trực, Công an tỉnh chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung phục vụ Đề án 06 theo chỉ đạo của Bộ Công an. Xây dựng kế hoạch tháng cao điểm đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Đến nay, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh được kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ hiệu quả công tác giải quyết TTHC cho công dân, không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Hoàn thành việc kiểm tra và kết nối thực hiện dịch vụ công liên thông đối với 2 thủ tục: Khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí.
Đến ngày 13/6/2023, toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD cho 100% công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, xong trước kế hoạch giao của Bộ Công an 47 ngày. Đăng ký 852.128 hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt được 549.831 tài khoản định danh điện tử, đạt trên 105,1% chỉ tiêu được giao, xếp thứ 6 toàn quốc.
Đồng thời, Vĩnh Phúc cũng là 1 trong 36 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% việc cập nhật, làm sạch dữ liệu chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia đúng thời hạn yêu cầu.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiển thị 20 trường thông tin công dân phục vụ xác thực, khai thác thông tin công dân. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến được nâng lên rõ rệt, đặc biệt tăng mạnh sau khi triển khai Đề án 06.
Do tuổi cao, sức yếu, ông Lê Văn Thuần, ở phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) thường xuyên phải đến bệnh viện thăm khám. Ông chia sẻ: "Mọi người chỉ cần đưa thẻ CCCD gắn chíp là cán bộ y tế có thể kiểm tra được mọi thông tin cá nhân liên quan đến bảo hiểm và nơi cư trú. Không phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau và phải đối chiếu từng loại như trước đây. Chính vì vậy, mỗi người chỉ cần 5 phút là làm xong hết các thủ tục cần thiết. Đây là những tiện ích rất lớn, giúp người dân tiết kiệm nhiều thời gian và công sức".
Tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ của đề án
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Vũ Chí Giang khẳng định, mặc dù kết quả đạt được rất đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Một phần là do công tác tuyên truyền nội dung này chưa mạnh mẽ nên một bộ phận người dân chưa nắm được những tiện ích, quyền lợi được hưởng, vẫn chủ yếu sử dụng hình thức truyền thống đến trực tiếp các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết TTHC.
Vì vậy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành bám sát vào nhiệm vụ của Đề án, tập trung nguồn lực triển khai các nhóm nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn nữa. Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan Trung ương trong quá trình thực hiện, tránh để bỏ sót nhiệm vụ hoặc có nhiệm vụ chậm triển khai.
Đối với các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị, địa phương phải chủ động triển khai bám sát theo hướng dẫn nghiệp vụ của ngành dọc để có thể kết nối, chia sẻ trong thời gian sớm nhất.
Với vai trò là cơ quan thường trực, Công an tỉnh tiếp tục hoàn thiện thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thu nhận, quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra an toàn thông tin, đường truyền.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường mạnh mẽ kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công giữa các sở, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp một cách thông suốt. Từ đó, đẩy nhanh quá trình kết nối dữ liệu, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số.