Bứt phá vươn lên
Phát huy những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, truyền thống văn hóa, lịch sử…, huyện Yên Sơn đã thực hiện các quy hoạch chiến lược, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực để bứt phá đi lên.
Xây dựng đô thị
Những ngày đầu năm 2021, trên những công trình xây dựng tại khu quy hoạch trung tâm thị trấn huyện lỵ Yên Sơn như hối hả hơn để đón Tết Nguyên Đán. Quan trọng hơn thế, đó là việc chạy đua với thời gian để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở tại Khu Trung tâm thị trấn, nhằm chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất thành lập thị trấn. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, hiện nay, UBND huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện 4 tuyến đường trước Tết Nguyên đán Tân Sửu gồm: đường Đ2 (trục chính đô thị) dài 200 m, đường IK dài 400 m, đường GH dài 550 m, đường EF dài 250 m. Công trình trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn tại thôn Trầm Ân đang được xây dựng với diện tích 6.000 m2, quy mô 3 tầng hiện đại, dự kiến hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong tháng 6-2021. Tổng nguồn đầu tư các công trình ước khoảng 48,8 tỷ đồng.
Trước đó, ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định về việc công nhận khu vực dự kiến thành lập thị trấn huyện lỵ Yên Sơn theo tiêu chí đô thị loại V, Huyện ủy, UBND huyện Yên Sơn đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tập trung xây dựng hồ sơ, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính của các xã Thắng Quân, Tứ Quận, Lang Quán, thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn; tổ chức lấy ý kiến của nhân dân đảm bảo công khai, dân chủ. Theo đó, UBND huyện Yên Sơn đã xây dựng phương án điều chỉnh địa giới hành chính gồm: điều chỉnh 0,58 km2 diện tích đất tự nhiên; dân số 923 người của các thôn 1, thôn 6 thuộc xã Lang Quán về xã Thắng Quân quản lý; điều chỉnh 2,29 km2 diện tích đất tự nhiên; dân số 1.788 người của các thôn Cầu Trôi, 11 và Đồng Trằm xã Tứ Quận về xã Thắng Quân quản lý. Sau sáp nhập, xã Thắng Quân đủ điều kiện để thành lập thị trấn Yên Sơn. Dáng dấp một đô thị tại khu vực trung tâm hành chính huyện Yên Sơn đang dần được hình thành.
Cùng với quy hoạch phát triển thị trấn, huyện Yên Sơn còn chủ động phối hợp với Sở Xây dựng triển khai xây dựng chương trình phát triển đô thị trên địa bàn huyện với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trung tâm xã Trung Sơn, Xuân Vân, Mỹ Bằng đạt tiêu chí đô thị loại V trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây sẽ là những đô thị vệ tinh tại trung tâm các cụm xã trên địa bàn huyện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Động lực để bứt phá
Cùng với quy hoạch phát triển đô thị, huyện Yên Sơn đã xây dựng những quy hoạch chiến lược gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển. Trong đó huyện đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch đường giao thông, quy hoạch hạ tầng thương mại.. Đồng thời triển khai thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành Cụm công nghiệp chế biến gỗ Woodsland Tuyên Quang tại xã Thắng Quân với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn đầu tư trên địa bàn huyện như: Nhà máy sản xuất Giày, Dép xuất khẩu, tại xã Trung Môn của Công ty TNHH Tập đoàn NEW HORIZON, tổng mức đầu tư 90,76 tỷ đồng, công suất 1 triệu đôi/năm. Nhà máy viên gỗ nén Hoàng Khai tại xã Hoàng Khai với tổng mức đầu tư là 30 tỷ đồng, công suất 5.000 tấn/năm. Nhà máy May Yên Sơn tại xã Trung Môn với tổng mức đầu tư 13,5 tỷ đồng, công suất 1 triệu sản phẩm/năm. Dự án Nhà máy Thủy điện Yên Sơn tại xã Quý Quân với công suất từ 90 MW và Dự án Thủy điện Sông Lô 8B xây dựng tại xã Thắng Quân - Tứ Quận – Phúc Ninh, công suất 27 MW..
Với sự góp mặt của một số nhà đầu tư lớn là tiền đề quan trọng để huyện thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực bứt phá, phát triển. Trước mắt huyện đang thực hiện quy hoạch mở rộng Cụm công nghiệp tại xã Thắng Quân, xã Lang Quán. Đồng thời UBND huyện cùng các ngành chức năng đang nỗ lực, chủ động xúc tiến đầu tư, mời gọi để triển khai một số dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện như: Nhà máy sản xuất rượu tại xã Xuân Vân, nhà máy may xuất khẩu tại xã Trung Môn... Cùng với đó, huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh đề xuất, mời gọi, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực hiện đầu tư vào cụm công nghiệp, tập trung thực hiện các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường như: Chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, các dự án công nghiệp chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tác động đến môi trường.
Huyện cũng thực hiện quy hoạch, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, hệ thống chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích liên doanh, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa của huyện.
Yên Sơn hôm nay đã và đang thực sự đổi thay về mọi mặt, diện mạo đô thị và nông thôn không ngừng đổi mới, phát triển. Đó là thành quả của những khát vọng đổi mới không ngừng, của sự nỗ lực, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là nền tảng, là sức mạnh để Yên Sơn tiến nhanh, tiến vững chắc trên chặng đường phía trước.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/but-pha-vuon-len-141787.html