Bứt phá vươn lên thoát nghèo ở xã đặc biệt khó khăn
Là một trong những xã vùng 3 khó khăn của huyện Bắc Yên, xã Phiêng Côn có 5 bản, 531 hộ, thuộc 2 dân tộc Dao và Mông chung sống. Đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên 1.541 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã là đất đồi, dốc và đất bạc màu, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao. Để từng bước cải thiện đời sống của người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Lò Văn Pý, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Để thay đổi tư duy sản xuất của người dân, xã đã tổ chức các đoàn công tác xuống bản vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tổ chức cho một số hộ dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Yên Châu, Mai Sơn. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo của Chính phủ để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Trong năm 2020, từ nguồn vốn của các chương trình giảm nghèo, xã đã hỗ trợ, cung cấp trên 2.000 cây giống xoài, nhãn và hỗ trợ bò giống cho 17 hộ nghèo phát triển chăn nuôi, với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các hộ nghèo vay vốn với tổng dư nợ gần 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức 2 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hơn 1.200 lượt người về kỹ thuật trồng cây ăn quả trên diện tích đất nương thay thế cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp; cải tạo vườn tạp; kỹ thuật ghép cây ăn quả; kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc, trồng cỏ lấy thức ăn nuôi gia súc nhốt chuồng... Qua đó, giúp người dân áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Bằng nhiều cách làm, tuyên truyền vận động, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, đến nay, xã Phiêng Côn có trên 82 ha cây ăn quả (20 ha đã cho thu hoạch), sản lượng đạt trên 100 tấn quả/vụ; 720 ha cây ngô, năng suất đạt 4-5 tấn/ha; 35 ha cây sắn, sản lượng 350 tấn/năm và 6 ha rau xanh các loại... Chăn nuôi phát triển, với trên 1.700 trâu, bò; 340 dê; 1.350 lợn và trên 13.600 con gia cầm; năm 2020, thu nhập bình quân đạt trên 14 triệu đồng/người.
Đến thăm vườn cây ăn quả rộng hơn 1 ha của gia đình ông Lò Văn Hội, bản En, đây là khu vườn được xã chọn làm điểm tham quan và tập huấn kỹ thuật cho người dân các bản. Vườn trồng xoài tượng da xanh và nhãn ghép, vườn cây được tỉa cành, tạo tán, thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch. Ông Hội chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi đã ghép mắt xoài tượng da xanh và nhãn ghép trên một số gốc cây xoài và nhãn đã thoái hóa và trồng mới 1 ha xoài, nhãn trên nương, năm 2019, thu được hơn 1 tấn quả, năm 2020 thu gần 5 tấn quả, trừ chi phí, lãi trên 50 triệu đồng. Tôi dự định, thời gian tới sẽ mở rộng thêm 1 ha trồng cây ăn quả, để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Cùng với việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, Phiêng Côn còn được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: Trụ sở làm việc của UBND xã; trường, lớp học; trạm y tế; nhà văn hóa các bản... Đặc biệt là đường giao thông nông thôn, tính đến tháng 12/2020, xã Phiêng Côn có 4 tuyến giao thông liên bản được đổ bê tông; 100% các bản có nhà văn hóa được xây dựng kiên cố; trên 90% số hộ dân được sử dụng nước sạch và điện lưới quốc gia; các trường học trong xã đã được xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Dù cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng điều mừng là người dân Phiêng Côn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Tin rằng, thời gian tới, Phiêng Côn sẽ bứt phá, vươn lên thoát nghèo.