Bứt phá xuất khẩu thép
Ngay trong những tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm sắt thép đã tăng trưởng ở mức cao, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh.
Trong tháng đầu tiên của năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã xuất khẩu 37.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng 38% so với tháng 1/2020. Ngoài ra, lượng phôi thép phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước đạt gần 140.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đà tăng trưởng, sang tháng 2, Hòa Phát xuất một lô hàng hơn 12.000 tấn chủ yếu là các sản phẩm tôn mạ lạnh sang châu Mỹ. Ngoài thép xây dựng, Hòa Phát đang đẩy mạnh xuất khẩu ống thép, tôn mạ, thép rút dây, dây thép rút mạ kẽm, thép dự ứng lực…
Việc lò cao số 4 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động trong tháng 1 đã chính thức nâng tổng sản lượng thép thô của toàn Tập đoàn lên 8 triệu tấn/năm. Đồng thời, sản lượng thép thô theo tháng đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là cơ sở để Hòa Phát đẩy mạnh sản xuất và cung cấp HRC cho thị trường trong nước.
Cùng với Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp sản xuất sắt thép trong nước đang có lượng xuất khẩu tăng trưởng tốt trong những tháng đầu của năm 2021. Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng qua, xuất khẩu sắt thép ghi nhận mức tăng chưa từng có, đạt 1,568 triệu tấn, trị giá 1,123 tỷ USD, tăng 71,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính cả 603 triệu USD từ các sản phẩm sắt thép (tăng 26,4% so với cùng kỳ), thì kim ngạch xuất khẩu sắt thép - sản phẩm sắt thép vọt lên trên 1,7 tỷ USD.
Xuất khẩu sắt thép đã kế thừa mức tăng trưởng từ năm 2020. Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn tuột mất cả tỷ USD vì dịch bệnh làm tổng cầu sụt giảm, thì sắt thép có mức tăng trên 1 tỷ USD, tương đương 25,1% trong năm 2020.
Nhận định về tiềm năng xuất khẩu thép năm 2021, các chuyên gia cho rằng, cơ hội từ hội nhập đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được kỳ vọng thúc đẩy ngành thép sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.
Đối với CPTPP, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế như Australia.
Theo Chứng khoán BSC, các nước thành viên CPTPP là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu để sản xuất thép cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, Australia là nước cung cấp than đá và quặng chủ yếu cho nước ta, lần lượt chiếm 25,7% và 22,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, hơn 50% lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng là từ các nước thuộc CPTPP. Một số thành viên như Canada, Malaysia cũng có nhu cầu lớn nhập khẩu nhiều thép thành phẩm.
Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam cũng phải đối mặt với trở ngại khi có thêm 5 quốc gia đang thực hiện điều tra chống bán phá giá lên sản phẩm tôn mạ và ống thép Việt Nam, trong đó có 2 quốc gia trong khu vực thị trường chính Đông Nam Á là Malaysia và Philippines.
Ngoài ra, thép chống ăn mòn đang bị áp thuế 2,3-16,2% tại Canada; thép cacbon cuộn nguội, không cuộn nguội bị áp thuế 6,97-51,61%; ống thép bị áp 6,97-51,61% tại Thái Lan; thép mạ bị áp thuế 3,17-38,34% tại Hàn Quốc… Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo xem xét gia hạn các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp được khuyến cáo bên cạnh đa dạng hóa thị trường mới, có thể khai thác các thị trường mang về giá trị lớn như Trung Quốc, Campuchia, trong đó Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục là thị trường xuất khẩu tỷ USD với nhiều dòng sản phẩm.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/but-pha-xuat-khau-thep-153190.html