Bút sắc, lòng trong, tâm sáng

Lẽ thường tình, theo sự phân công của xã hội, mỗi người một công việc khác nhau, công nhân trong nhà máy, người nông dân trên đồng ruộng, chiến sĩ ngoài biên giới, giáo viên trên bục giảng và bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trong bệnh viện, nhà báo lại là những người được ví như những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng,…

Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6!

Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6!

Trách nhiệm của nhà báo chính là phản ánh các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa,... theo cái cách làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn lên.

Hôm nay, tôi, một nhân viên y tế xin mạn phép “múa rìu qua mắt thợ”, xin viết về nhà báo (nếu có gì chưa chuẩn, xin bỏ qua vì đây là góc nhìn của cá nhân tôi). Có 3 phong cách lãnh đạo: Độc đoán, dân chủ và tự do. Mọi người trong các ngành nghề khác nhau, đa số thích phong cách dân chủ vì có được tiếng nói chung của số đông. Trong chiến tranh và trong cấp cứu của ngành Y thì phong cách độc đoán thích hợp nhất: Tướng tài phải quyết đoán để kịp thời cứu lính trong trận đánh và bác sĩ giỏi phải quyết định dứt khoát để cứu bệnh nhân kịp thời (trong ngành Y có giờ vàng).

Vậy nghề báo nên chọn phong cách nào? Thích hợp nhất đó là “phong cách tự do”, vì đối tượng quản lý là con người với rất nhiều suy nghĩ khác nhau, phong cách tự do cho người lao động trí thức phát huy hết khả năng độc lập, sáng tạo, tự lựa chọn phương pháp làm việc cho mình để có “sản phẩm đầu ra” là những bài viết hay, nóng hổi kịp thời sự, được đa số quần chúng đồng tình và lưu truyền nhiều thế hệ sau. Những tác phẩm nổi tiếng, những bài văn, thơ đi vào lòng người thường ra đời trong những phút xuất thần (tiếng bình dân gọi là ngẫu hứng). Với nghề báo, không thể quản lý theo kiểu mấy giờ đồng hồ công nhân sản xuất trong nhà máy cho ra bao nhiêu sản phẩm, nông dân mỗi mùa vụ thu hoạch bao nhiêu sản lượng,...

Nghề báo cần những đức tính nào? Ngoài việc giàu cảm xúc, diễn đạt lưu loát ra, nghề báo rất cần “tính dũng cảm”. Chúng ta tưởng nhầm nhà báo ngồi phòng máy lạnh, gõ và gửi bài đi. Để có bài hay, các phóng viên phải đi và cảm nhận. Sau mỗi trận bóng đá, trong khi chúng ta nệm ấm chăn êm ngủ bù giấc thì các phóng viên xuống đường, đi bão cùng người hâm mộ để viết về tinh thần yêu nước, yêu thể thao của mọi tầng lớp nhân dân. Và những ngày dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, các phóng viên phải đi vào tâm dịch, vào bệnh viện, mặc quần áo vô trùng, tiếp xúc với nhân viên y tế, thậm chí cả bệnh nhân dương tính để viết bài kịp thời, chính xác về chuyên môn để cho ra đời những tác phẩm giá trị như “ranh giới”, vì khả năng phơi nhiễm của họ là rất cao. Thời điểm chống dịch, bên cạnh những nhân viên y tế cứu chữa bệnh nhân, các mạnh thường quân đem thức ăn tới nơi phong tỏa, các phóng viên cũng phải “đồng cam cộng khổ” với các mạnh thường quân để ghi lại những hình ảnh đẹp, để lan tỏa yêu thương. Báo chí còn là nhịp cầu nhân ái chia sẻ với nhân viên y tế như chương trình “Vạn lá chắn yêu thương” của báo Dân Trí,…

Các nhà báo, ngoài khả năng diễn đạt lưu loát, cần không ngừng học hỏi kiến thức chuyên môn trên nhiều lĩnh vực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất

Các nhà báo, ngoài khả năng diễn đạt lưu loát, cần không ngừng học hỏi kiến thức chuyên môn trên nhiều lĩnh vực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất

Tất cả công việc ấy đều cần tính dũng cảm, nhà báo chân chính còn phải “dũng cảm” nói lên sự thật bảo vệ lẽ phải, thực hiện công bằng xã hội cho mọi người, đấu tranh chống tiêu cực, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Thời mới tập tành viết báo, gửi bài đi rồi, tôi rất lo vì tôi chỉ có khả năng diễn đạt lưu loát và cảm xúc tốt, tôi rất ít trải nghiệm trường đời, cũng may, tôi chỉ viết trong phạm vi công việc của mình. Tôi còn có cái nhìn phiến diện là bác sĩ, dược sĩ có thể làm báo nhưng nhà báo thì không thể cầm dao mổ hay hướng dẫn sử dụng thuốc,… Thật ra, các nhà báo ngoài khả năng diễn đạt lưu loát, tâm sáng, sự trải nghiệm với thực tế cuộc sống, họ còn không ngừng học hỏi kiến thức chuyên môn về nhiều lĩnh vực để có bài viết hay trên từng lĩnh vực, trong nhiều ngành nghề.

Nhà báo còn là cầu nối của sự đoàn kết. Công cuộc chống dịch Covid-19 ở Việt Nam thành công là nhờ sự chung sức của toàn dân, sự hy sinh thầm lặng của 25.000 nhân viên y tế đoàn kết cùng hàng vạn cán bộ, công an, quân đội, các mạnh thường quân,… trong đó, không thể quên đội ngũ những người làm báo. Báo chí chính là nhịp cầu kết nối lan tỏa yêu thương.

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, kính chúc quý nhà báo sức khỏe tốt, luôn “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, luôn là niềm tin yêu của nhân dân để góp thêm cho đời những tác phẩm giá trị./.

Dược sĩ Chuyên khoa II Lý Thị Nhất Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/but-sac-long-trong-tam-sang-a157525.html