Bứt tốc giải ngân đầu tư công: Quan trọng là sự quyết liệt, linh hoạt!

'Trong cách chỉ đạo điều hành rất linh hoạt, có việc phải chủ động làm trước, có những việc làm song song, có việc phải làm đồng thời…', 'Còn nếu không, buộc phải dừng dự án lại vì những lý do như địa phương triển khai chậm, Nhân dân chưa đồng thuận, giải phóng mặt bằng chưa xong; đồng thời phải kiểm điểm trách nhiệm của chủ đầu tư đó' - chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai hoàn toàn có thể là bài học kinh nghiệm đáng giá trong việc hóa giải 'căn bệnh' giải ngân vốn đầu tư công vốn luôn chậm, kéo dài trầm kha nhiều năm nay tại nhiều địa phương.

Lý giải về kết quả 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đứng thứ hai trong nhóm các địa phương của cả nước có tỷ lệ giải ngân vốn cao, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và linh hoạt, đồng thời sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Cụ thể như, công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2024 đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh và HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sớm, ngay từ cuối năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư, các đơn vị triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024. Tỉnh thường xuyên rà soát, chỉ đạo, tổ chức họp giải quyết vướng mắc, nhất là những dự án lớn và có giải pháp với từng dự án cụ thể. Điều chuyển vốn, kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư, nhà thầu; đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu, nguồn cung vật liệu, giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn.

 TP.HCM phấn đấu đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trong năm 2024 - Ảnh minh họa

TP.HCM phấn đấu đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trong năm 2024 - Ảnh minh họa

“Trong cách chỉ đạo điều hành rất linh hoạt, có việc phải chủ động làm trước, có những việc làm song song, có việc phải làm đồng thời…” - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Còn với Lào Cai, luôn nằm trong Top các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước, nhưng giải ngân vốn đầu tư công luôn là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với Lào Cai, công tác chỉ đạo, điều hành đối với nhiệm vụ này đang được tỉnh triển khai hết sức quyết liệt. Yêu cầu mà tỉnh Lào Cai đặt ra là phải quyết liệt, nghiêm túc hơn nữa gắn với trách nhiệm người đứng đầu, luôn phải tạo áp lực giải ngân đối với từng địa phương, đơn vị.

“Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và quản lý dự án để tháo gỡ khó khăn, kịp thời đẩy nhanh tiến độ, đơn vị nào không đảm bảo sẵn sàng bổ sung nhà thầu phụ” - ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai cho biết.

Đặc biệt, chỉ đạo tại cuộc họp chuyên đề về giải ngân hồi đầu năm 2024, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các ngành, địa phương phải nghiêm túc, khoa học hơn nữa, xác định giải ngân là nhiệm vụ chính trị, mục tiêu từ nay đến cuối năm mỗi tháng phải giải ngân vốn đạt 1.000 tỷ đồng (bao gồm cả hoàn ứng).

Chúng ta có rất nhiều dự án, tập trung vào giao thông, vào giáo dục, y tế, cơ bản đều phải hoàn thành trong năm 2024. Trường hợp gia hạn cũng chỉ gia hạn trong năm 2024 chứ không gia hạn trong năm 2025. Còn nếu không, buộc phải dừng dự án lại vì những lý do như địa phương triển khai chậm, Nhân dân chưa đồng thuận, giải phóng mặt bằng chưa xong; đồng thời phải kiểm điểm trách nhiệm của chủ đầu tư đó” - ông Trịnh Xuân Trường nêu rõ.

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị ban hành kế hoạch và cam kết giải ngân chi tiết theo từng nguồn vốn của dự án và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Dễ nhận diện, từ thực tế của Thanh Hóa và Lào Cai, sự quyết liệt và linh hoạt từ cấp chỉ đạo cao nhất tới cấp thực hiện là những “từ khóa” chung nhất, nổi trội nhất trong việc mở “nút thắt” giải ngân đầu tư công.

Trở lại với những thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 vừa được tổ chức ngày 17/7/2024. Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 của cả nước thấp so với với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 28,77%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (32,76%). Chỉ có 11/44 Bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, nhiều Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023.

 Sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động, thiếu linh hoạt, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm là những nguyên nhân căn bản dẫn tới sự ì ạch trầm kha qua rất nhiều năm của căn bệnh “ách tắc giải ngân vốn đầu tư công”.

Sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động, thiếu linh hoạt, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm là những nguyên nhân căn bản dẫn tới sự ì ạch trầm kha qua rất nhiều năm của căn bệnh “ách tắc giải ngân vốn đầu tư công”.

Trước đó, ngày 5/7, Bộ Tài chính cho biết ước thanh toán vốn kế hoạch năm 2024 từ đầu năm đến ngày 30/6 là 196.669,4 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch và đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vẫn còn 32/44 bộ, cơ quan Trung ương và 26/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15% như Hải Dương, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm đường liên vùng, đường ven biển.

Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên vật liệu biến động do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá đá, cát xây dựng tiếp tục tăng do tình trạng khan hiếm. Tình trạng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư vào công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh nguyên nhân từ thực trạng vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Kết luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, về lý do giải ngân vốn công chậm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; khâu chuẩn bị dự án sơ sài, chất lượng kém và năng lực nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu yếu.

Theo Thủ tướng, vẫn còn tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm khi được giao nhiệm vụ; huy động nguồn vốn chưa kịp thời, nhất là từ đất đai, trái phiếu chính quyền địa phương. “Một số địa phương còn chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm chính trị cao. Việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi còn chậm” - Thủ tướng nêu.

Rõ ràng, sự thiếu quyết liệt, thiếu chủ động, thiếu linh hoạt, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm là những nguyên nhân căn bản dẫn tới sự ì ạch trầm kha qua rất nhiều năm của căn bệnh “ách tắc giải ngân vốn đầu tư công”. Vì thế, để có thể bứt tốc giải ngân vốn đầu tư công, điều tiên quyết, không gì khác là phải triệt tiêu cho được sự thiếu quyết liệt, thiếu linh hoạt, sợ sai, sợ trách nhiệm - bởi đó là nguồn cơn của căn bệnh này. Với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, cách duy nhất, như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là kiên quyết cho điều chuyển.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/but-toc-giai-ngan-dau-tu-cong-quan-trong-la-su-quyet-liet-linh-hoat-post303876.html