Bứt tốc ngoạn mục, chuyển đổi số Quảng Ngãi nhảy vọt 34 bậc
Pha bứt tốc ngoạn mục của chuyển đổi số Quảng Ngãi, khi nhảy vọt từ vị trí 60/63 tỉnh thành lên 26/63, trong bảng xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022
Lời tòa soạn
Bộ TT&TT vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022. Đây là năm thứ ba Bộ TT&TT tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. VietNamNet thực hiện tuyến bài: "Bứt phá chuyển đổi số ở các ngành, địa phương", giới thiệu các bài học mà các đơn vị đã triển khai để có kết quả tích cực trong lĩnh vực này.
Bài 1: Đà Nẵng có gì khi 3 năm liên tiếp dẫn đầu các địa phương về chuyển đổi số?
Bài 2: Đồng bộ hạ tầng số giúp Quảng Ninh vượt lên trong xếp hạng chuyển đổi số
Bài 3: Quyết tâm của lãnh đạo tạo nên thành công của chuyển đổi số ở Cần Thơ
Bứt phá ngoạn mục
Bộ TT&TT vừa công bố kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022. Đây là năm thứ ba Bộ TT&TT tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Quảng Ngãi vọt lên như một “ngôi sao” mới nổi khi năm 2021, chỉ số DTI của tỉnh chỉ đứng 60/63 tỉnh thành, thì đến năm 2022, tỉnh vượt 34 bậc lên vị trí 26/63. Trong 3 trụ cột DTI cấp tỉnh là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Quảng Ngãi xếp thứ 17 về chính quyền số và kinh tế số, đứng thứ 15 về xã hội số.
Đánh giá về kết quả này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi Trần Thanh Trường chia sẻ, trong năm 2022, cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ngãi đã thực sự vào cuộc đối với công tác chuyển đổi số.
Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh đạt bình quân 56%/năm/tổng hồ sơ tiếp nhận mới, với hơn 48.000 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Đã có 688 dịch vụ công (DVC) trực tuyến một phần và toàn trình được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia, với gần 250 thủ tục có thể thanh toán trực tuyến.
“Để có những thành quả trên, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đối với công tác chuyển đổi số”, ông Trường nêu rõ.
Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi cho biết thêm, năm qua, tỉnh lần đầu tiên tổ chức Hội thi tuyên truyền cải cách hành chính bằng hình thức sân khấu hóa với sự tham gia của 13 đoàn đến từ 13 huyện, thị xã, thành phố.
Các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung của tỉnh được triển khai đồng bộ đến cấp xã. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã tích hợp với Hệ thống thông tin của các Bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, Quảng Ngãi là địa phương thứ 16 trong cả nước đã chính thức kết nối vào CSDL quốc gia về dân cư.
Nhiều điểm nổi bật
Hiện nay, công chức tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa các cấp của Quảng Ngãi có thể khai thác 20 trường thông tin từ CSDL quốc gia về dân cư để xác định thông tin về công dân, thuận tiện trong việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại Quảng Ngãi triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành dùng chung iOffice theo mô hình tập trung, liên thông 4 cấp chính quyền, liên thông với các cơ quan Đảng trong tỉnh và sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử.
Cùng với đó, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai và hoàn thành thành lập 100% các Tổ Công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, tổ dân phố. Chuyển đổi số diễn ra trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả truyền thông, có những nội dung truyền thông đến hơn 20 nghìn lượt người quan tâm trên các nền tảng số và có những bài viết có hơn 37 nghìn lượt người xem.
Đại diện Sở TT&TT chia sẻ, trong năm 2022, tỉnh đã triển khai nhiều kênh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện các thủ tục hành chính. Triển khai thử nghiệm các nền tảng số: Cổng dữ liệu mở tỉnh; Hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu; Tích hợp hệ thống trí tuệ nhân tạo Chatbot vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; Tổng đài ảo hỗ trợ người dân về các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính.
Để có sự đột phá phải nhắc đến bước khởi đầu cho chuyển đổi số Quảng Ngãi tại Hội thảo chuyển đổi số cuối năm 2021. Hội thảo diễn ra trong dịch bệnh, các chuyên gia báo cáo tham luận trực tuyến nhưng đã tổ chức thành công với sự tham gia từ tỉnh đến huyện.
Đây là bước đệm quan trọng, ngay sau đó là công tác tập huấn chuyển đổ số cho nhiều đối tượng đã diễn ra bằng nhiều hình thức, từ trực tiếp cho đến trực tuyến. Con số tập huấn năm 2022 đạt 63 nghìn lượt người tham gia, đưa Quảng Ngãi là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong công tác đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số năm 2022.
Người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Nhắc đến câu chuyện của năm 2023, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sẽ quyết tâm không lùi, đơn vị đang rà soát lại những vấn đề đã đạt được, tiếp tục nâng cao để thực sự đi vào cuộc sống.
Nhiều mục tiêu đã được lãnh đạo tỉnh đề ra, như hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Với quan điểm sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới phương pháp đào tạo, tập huấn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng, cho người dân về chuyển đổi số. Đồng thời thường xuyên đánh giá, nhân rộng các mô hình Tổ Công nghệ số cộng đồng thành công.
Ngoài ra, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số. Tận dụng lực lượng là giáo viên, học sinh, đoàn thanh niên… để lan tỏa, tạo làn sóng mạnh mẽ về tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh Quảng Ngãi về phát triển chuyển đổi số.
Mục tiêu sắp tới của Tỉnh là phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh. Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các công nghệ và mô hình mới. Cùng với đó, Quảng Ngãi sẽ thúc đẩy tiến độ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp tại địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối toàn cầu. Tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, Internet và không gian mạng.
Theo ông Trần Thanh Trường, khó khăn lớn nhất hiện nay của Quảng Ngãi là nhận thức về chuyển đổi số và kỹ năng số của công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp; quyết tâm, gương mẫu của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương và công chức, viên chức về chuyển đổi số và người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương không có quyết tâm thì chuyển đổi số sẽ không thành công. Chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, thường xuyên, liên tục của tất cả các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị nhưng vẫn còn tư tưởng là của ngành Thông tin và Truyền thông.