Bưu điện Nhật Bản thực hiện chuyến giao hàng bằng UAV trong khu dân cư thành công
Ngày 24/3, Bưu điện Nhật Bản sử dụng máy bay không người lái (UAV) thực hiện chuyến giao hàng tại một khu dân cư thành công, mở đường cho khả năng sử dụng UAV thực hiện giao hàng trên quy mô rộng lớn.
Ngày 24/3, UAV Bưu điện Nhật Bản đã thả một gói hàng nhỏ sau khi hạ cánh trước một ngôi nhà ở Okutama, vùng nông thôn phía tây Tokyo, cách trạm bưu điện khoảng 2 km.
UAV thực hiện chuyến giao hàng trong khoảng 5 phút, nhanh hơn gấp 3 lần so với 15 phút giao hàng bằng xe tải.
Một số công ty dịch vụ bắt đầu tiến hành những cuộc thử nghiệm giao hàng bằng UAV, tập trung vào những hòn đảo xa xôi và các khu vực miền núi. Cuộc thử nghiệm thành công ngày 24/3 của Bưu điện Nhật Bản được coi là một cột mốc quan trọng do đây là chuyến bay cấp 4 đầu tiên, cấp độ khó nhất mà UAV vận hành ngoài tầm nhìn trực quan trên khu dân cư và đô thị.
Từ năm 2020, Bưu điện Nhật Bản đã tiến hành những cuộc thử nghiệm giao hàng bằng UAV cấp thấp hơn ở Okutama, hạn chế trong không phận trên núi và sông, nơi không có người khiến các tuyến đường bay dài hơn trong hầu hết các trường hợp. Quyết định chuyển sang cấp độ 4, công ty có thể giảm thời gian giao hàng bằng phương thức thực hiện những chuyến bay giao hàng trực tiếp qua nhà và đường.
"Cần phải đạt được sự hiểu biết của chính quyền địa phương và người dân trước khi mở rộng dịch vụ", Shinya Koike, giám đốc điều hành cấp cao của Bưu điện Nhật Bản cho biết.
Hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, những gói hàng ngày càng nhỏ hơn và hoạt động giao hàng diễn ra thường xuyên hơn. Nếu UAV được sử dụng để giao hàng chặng cuối, hoạt động vận chuyển nhu yếu phẩm thường ngày như thực phẩm và thuốc men đến các khu vực miền núi thưa thớt dân cư sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Tháng 12/2022, chính phủ Nhật Bản nới lỏng những quy định, cho phép các chuyến bay UAV cấp độ 4, Bưu điện Nhật Bản đã đệ trình đơn xin cấp phép cho chuyến bay thử nghiệm giao hàng bằng UAV lên Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch.
Tính đến ngày 15/90, khoảng 90 người đã nộp đơn xin giấy phép thí điểm bay giao hàng bằng UAV cấp độ 4, cho thấy các công ty dịch vụ khác cũng sẽ thử nghiệm các chuyến bay giao hàng tiếp theo.
Mùa thu năm 2022, công ty Seven-Eleven Nhật Bản và ANA Holdings đã bắt đầu những chuyến bay thử nghiệm nhằm thương mại hóa dịch vụ giao hàng bằng UAV đến những hòn đảo xa xôi ngoài khơi Kyushu, vùng lãnh thổ cực nam Nhật Bản vào năm tài chính 2025. Những cửa hàng tiện ích đối thủ FamilyMart và Lawson đang xem xét tiến hành những thử nghiệm tương tự.
Những thử nghiệm được tiến hành cho đến nay làm nổi bật những vấn đề cần được giải quyết như hành lang bay và thời tiết. Chuyến bay cấp 4 của Japan Post ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 23/3 nhưng phải hoãn lại do trời mưa.
Sagawa Express, một công ty hậu cần và giao hàng lớn cũng đặt mục tiêu bắt đầu dịch vụ giao hàng bằng UAV thương mại trong năm tài chính 2025, bắt đầu thử nghiệm toàn diện vào tháng 1/2023. Hoạt động thử nghiệm cho thấy hiệu quả giao hàng được cải thiện hơn đối với những bưu kiện nhỏ, nhưng vẫn phải sử dụng xe vận tải giao hàng trong thời tiết khắc nghiệt.
Một loạt các thử nghiệm khác do công ty viễn thông khổng lồ KDDI thực hiện cho thấy sự cần thiết của kiểm tra và bảo trì UAV trước khi cất cánh và sau khi hạ cánh, cho thấy trong các hoạt động thương mại bằng UAV, ngoài phi công điều khiển drone, cần phải có nhân viên kỹ thuật bảo trì và sửa chữa nhỏ, đảm bảo cho UAV hoạt động thuận lợi.
Yêu cầu này sẽ gây thêm áp lực cho ngành hậu cần và vận chuyển hàng chặng cuối, hiện đang thiếu nhân lực, theo kết quả một cuộc khảo sát vào tháng 2 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, để mở rộng và phổ biến hệ thống giao hàng chặng cuối bằng UAV, điều cần thiết là phải phát triển hệ thống quản lý giao thông máy bay không người lái (UTM), bao gồm việc kiểm soát máy bay, quản lý kế hoạch bay, cung cấp thông tin bản đồ bay và vị trí các drone trong khi bay nhằm ngăn ngừa khả năng va chạm trên không giữa các UAV.
Hiện chưa có quyết định, cơ quan chính phủ hay doanh nghiệp tư nhân sẽ quản lý UTM, nhưng một số công ty công nghệ và dịch vụ đang phối hợp cùng nhau để phát triển hệ thống này.
Tính đến cuối tháng 9/2022, đã có khoảng 310.000 UAV được đăng ký với cơ quan quản lý của chính phủ. Cơ quan này có kế hoạch chia sẻ thông tin vị trí của tất cả các drone để cho phép những UAV có thể hoạt động trên bầu trời với mật độ cao.
Ông Yoshihiro Fujimaki, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Ngoại giao Washington, quen thuộc với các máy bay thế hệ tiếp theo cho biết, ở nước ngoài đã có trường hợp, các UAV khi đang bay đã bị buộc phải hạ cánh xuống một khu trống rộng lớn trong vài tháng sau một số vụ tai nạn va chạm trên không.
Ông Fujimaki lưu ý, "Các nhà khai thác sử dụng UAV tốt hơn hết là chủ động cung cấp thông tin về UAV sở hữu và các kế hoạch bay hàng ngày, cơ quan quản lý có hồ sơ theo dõi các drone và lưu giữ chi tiết về tất cả những gì đã và đang diễn ra trên bầu trời."