BV Đà Nẵng lần thứ 2 cứu sống bệnh nhân bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt
Ngày 13-1, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng cho biết vừa tiếp tục ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để cứu sống một bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Đây là kỹ thuật mới được áp dụng tại BV Đà Nẵng, giúp tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh mà không để lại bất cứ di chứng thần kinh đáng tiếc nào...
Ngày 13-1, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng cho biết vừa tiếp tục ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để cứu sống một bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Đây là kỹ thuật mới được áp dụng tại BV Đà Nẵng, giúp tăng thêm cơ hội sống cho người bệnh mà không để lại bất cứ di chứng thần kinh đáng tiếc nào...
21 giờ ngày 16-12-2019, khi vừa trở về nhà sau giờ tan học thêm, bệnh nhân Nguyễn Thị T. (17 tuổi, trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bất ngờ ngã, hôn mê nên được đưa vào BV Đà Nẵng cấp cứu... Theo Bs Nguyễn Văn Đồng - khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc (HSTCCĐ) BV Đà Nẵng, ngay khi bệnh nhân T. được chuyển đến bệnh viện, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã thay phiên nhau ép tim bệnh nhân trong gần 20 phút. Sau đó, bệnh nhân được chuyển ngay vào khoa HSTCCĐ kèm báo động toàn viện tới các khoa liên quan và Ban Giám đốc. Các bác sĩ khoa HSTCCĐ thiết lập hệ thống PiCCo và máy tạo nhịp tim tạm thời để dìu dắt tim bệnh nhân. Tuy nhiên, huyết áp của T. càng lúc càng giảm.
Bệnh nhân T. được chẩn đoán viêm cơ tim. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chọn kỹ thuật hạ thân nhiệt để cứu sống bệnh nhân. Nhiệt độ bệnh nhân được kiểm soát ổn định quanh mức 33 độ C trong 24 giờ đầu nhằm bảo vệ não. Sau đó, sẽ nâng dần 0,15 độ C trong một giờ cho tới khi nhiệt độ cơ thể về mức bình thường. Sau 6 ngày, bệnh nhân T. dần mở mắt, chớp mắt, và cử động được. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải chiến đấu với 2 bệnh lý: viêm phổi do vi khuẩn đa kháng thuốc và xuất huyết tiêu hóa nặng do loét dạ dày. Sau quá trình điều trị dài ngày tại khoa HSTCCĐ (BV Đà Nẵng), T. đã có thể giao tiếp, ăn uống, phục hồi vận động và không có bất cứ di chứng thần kinh nào. Hiện, sức khỏe của T. ổn định, bệnh nhân đã được xuất viện. Bs Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm, thành công của kỹ thuật hạ thân nhiệt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó khoảng thời gian từ lúc tim ngừng đập đến khi cấp cứu thành công đóng vai trò then chốt. Nếu phát hiện một người bị đột ngột hôn mê, ngừng thở, ngay lập tức người chứng kiến nên thực hiện ép tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân cho đến khi có đội cấp cứu ngoại viện đến.
Theo Bs.Ck 2 Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc BV Đà Nẵng, kỹ thuật hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới. Đây là kỹ thuật được khuyến cáo dùng để bảo vệ não cho những bệnh nhân ngừng tuần hoàn, bởi lúc này não thiếu oxy nuôi dưỡng dẫn đến bị phù, tổn thương não. Nếu như không có cách bảo vệ não tốt thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu được cứu sống thì bệnh nhân có thể bị di chứng não rất nặng nề như sa sút trí tuệ, liệt, co giật, nằm tại chỗ, sống thực vật. Chính vì thế, kỹ thuật hạ thân nhiệt giống như cho bệnh nhân "ngủ đông" để giảm quá trình chuyển hóa của não, giảm tình trạng tổn thương não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não, từ đó hỗ trợ tế bào não phục hồi. Bs.Ck 2 Nguyễn Thành Trung cũng cho biết thêm, đây là lần thứ 2, BVĐN áp dụng thành công kỹ thuật này sau bệnh nhân Lê Phước K. (30 tuổi, trú Điện Minh, TX Điện Bàn, Quảng Nam).
Được biết, kỹ thuật hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là một trong những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và hiện triển khai chủ yếu ở một số bệnh viện tuyến trung ương. Tại miền Trung, BV Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật hạ thân nhiệt. Bs.Ck 2 Nguyễn Thành Trung khẳng định: "Hiện tại BV Đà Nẵng đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn một cách thường quy, nhằm tăng thêm sự sống cho người bệnh mà không để lại bất kỳ di chứng nào".