BV Huyết học truyền hóa chất hết hạn: Giám đốc Dũng phải chịu trách nhiệm?

Liên quan đến vụ việc BV Truyền máu huyết học TP HCM cấp phát và sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng cho bệnh nhi ung thư, nhiều người đặt câu hỏi, lãnh đạo Bệnh viện phải chịu trách nhiệm thế nào trong trường hợp này?

Như Kiến Thức đã phản ánh, khoảng 19h30 ngày 24/6, bệnh viện này nhận được phản ánh của thân nhân người bệnh L.T.K.C. (4 tuổi, chẩn đoán suy tủy) về việc bệnh nhi C. được cấp phát và sử dụng thuốc hết hạn sử dụng là Antithymocyte Globuline (Thymogam 250 mg).

BV Truyền máu huyết học TP HCM cấp thuốc hết hạn sử dụng.

BV Truyền máu huyết học TP HCM cấp thuốc hết hạn sử dụng.

Qua kiểm tra, BV Truyền máu huyết học TP HCM phát hiện 2 lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250 mg) được cấp phát cho người bệnh L.T.K.C. có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1/2020 (trong đó có 1 lọ đã sử dụng xong và 1 lọ đã sử dụng 1/3).

Trong khi đó, kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện, 2 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là 11/2021.

Trước sự việc này, nhiều người chắc chắn rằng, việc vào thuốc bằng phần mềm quản lý thuốc của bệnh viện có thể có sai sót, hạn sử dụng thuốc phải được xem xét trên nhãn lọ.

Ngoài tạm đình chỉ công tác các cá nhân có liên quan thì câu hỏi đặt ra, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM phải chịu trách nhiệm thế nào trong trường hợp này?

Đối với sự việc trên, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, căn cứ Luật Dược năm 2016, thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.

Thuốc hết hạn sử dụng chẳng những không còn tác dụng trị bệnh mà còn có thể đẩy người sử dụng vào nguy cơ gặp biến chứng chết người. Nếu không biết cách bảo quản thuốc an toàn, đây có thể là con dao hai lưỡi mà chúng ta không ngờ tới.

Theo quy định tại khoản 31, Điều 2, Luật Dược năm 2016 thì hạn dùng của thuốc là thời gian sử dụng ấn định cho thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng.

Hạn dùng của thuốc được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn. Trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn.

Dược phẩm cũng như tất cả các loại hóa chất đều bị biến chất theo thời gian, thuốc dạng lỏng dễ tách lớp, nhiễm khuẩn; thuốc dạng rắn dễ bị sứt mẻ, thậm chí có thể tơi rã thành bột. Vì vậy, đa số các sản phẩm thuốc khi hết hạn sẽ không còn nguyên hiệu lực. Nghĩa là, thuốc sẽ không có đủ khả năng chữa bệnh hoặc bồi bổ cho sức khỏe. Thậm chí, một số thuốc quá hạn có thể chứa độc tính thay vì khả năng chữa bệnh ban đầu.

Luật Dược cũng nghiêm cấm hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã hết hạn dùng.

Điều 40 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính khi bán thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc hết hạn sử dụng như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bán lẻ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi bán buôn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng.

Ngoài ra, cơ sở bán thuốc quá hạn sử dụng sẽ bị buộc hoàn trả toàn bộ số tiền thu được từ hành vi bán thuốc hết hạn và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc đó.

Hành vi bán thuốc đã hết hạn sử dụng nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng như dẫn đến chết người thì sẽ bị xử lý theo Điều 129 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính…

Điều 129: Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính:

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM

Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Giang, Trưởng Văn phòng Luật sư Vũ Lợi phân tích thêm, trong trường hợp này cần xem xét hậu quả và hành vi của những người liên quan sự việc.

Như, trách nhiệm của người quản lý nhà thuốc, người vào phần mềm quản lý thuốc, người tiêm thuốc cho bệnh nhân nhi cũng như trách nhiệm quản lý của lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM.

Đặc biệt, trong trường hợp bệnh viện để xảy ra tiêu cực, nhập nhèm trong việc cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc như tráo thuốc hết hạn vào kho thuốc… thì trách nhiệm chính vẫn là những người thuộc bộ phận quản lý thuốc, và giám đốc bệnh viện vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới vì để xảy ra tình trạng trên.

Tùy vào hậu quả, hành vi của sự việc, giám đốc bệnh viện có thể bị xem xét kỷ luật, cảnh cáo và phạt hành chính vì nơi lỏng quản lý để xảy ra tình trạng trên.

Mời bạn đọc xem thêm video: BV Truyền máu huyết học TP HCM cho bệnh nhi dùng thuốc hết hạn.

Nguồn PLTV

Hà Trang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/ban-doc-dieu-tra/bv-huyet-hoc-truyen-hoa-chat-het-han-giam-doc-dung-phai-chiu-trach-nhiem-1401886.html