Cá chết không thuyên giảm, người dân Hải Dương 'kiệt quệ' khi phải đối mặt với mức thiệt hại lớn
Để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, nhiều hộ dân đã bán 'chạy' số cá còn lại trên lồng với giá rẻ khoảng 20.000-30.000 đồng/kg (giá thông thường là khoảng 100.000 đồng/kg). Ước tính, các hộ dân chịu thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.
Theo ghi nhận của PV Gia đình và Xã hội, sáng ngày 7/4, lãnh đạo Sở NN - PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, trước thực trạng hàng trăm tấn cá chết bất thường tại TP Hải Dương xảy ra trong thời gian qua, Cục Thủy sản và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) đã về địa phương kiểm tra nhanh hiện tượng cá chết. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra.
Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy. Hiện tượng cá lồng chết tập trung nhiều ở xã Tiền Tiến, TP Hải Dương.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có khoảng trên 300 tấn cá nuôi lồng bị chết.
Bà Lê Thị Hợp - Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) cho biết:
"Để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, nhiều hộ dân đã bán "chạy" số cá còn lại trên lồng với giá rẻ khoảng 20.000-30.000 đồng/kg (giá thông thường là khoảng 100.000 đồng/kg). Ước tính, các hộ dân chịu thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng."
Theo nhận định ban đầu, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường nên những con cá yếu sẽ bị chết rải rác ở những lồng nuôi với mật độ cao. Chính vì vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người nuôi cá khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Nếu có hiện tượng cá chết cần phải vớt lên, mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Chia sẻ với PV Gia đình và Xã hội, chị Oanh Kiều (Hải Dương) cho biết:
"Cá chết chủ yếu là cá chép có trứng, cá diêu hồng hay cá trắm đen, cá rô phi thì không bị chết. Tôi lên đây để hỗ trợ nhà dì ruột, anh chị em đều nuôi lồng cá và đều đang kiệt quệ vì thiệt hại cả tiền tỷ. Bản thân tôi không phải là chủ hộ nhưng về đến nơi nhìn người dân khóc mà không kìm được lòng.
Tôi làm nhà hàng nên cũng có mối quan hệ, đã cố gắng hết sức có thể để bán cá đỡ chú, dì nhưng cũng không ăn thua. Người ta nuôi cả trăm, cả nghìn tấn, mình bán một hai chục tấn thì cũng không thấm vào đâu. Có người còn có ý định tự tử vì thiệt hại tiền tỷ, bao giờ gỡ cho lại. Bốn ngày nay cả nhà tôi lần lượt mọi người ốm và khản tiếng, gần như cũng hết sức lực rồi, đỡ được chút nào hay chút đó" - chị Kiều nghẹn ngào nói.
Thông tin cá chết hàng loạt ở Hải Dương được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội, hiện nay cũng có nhiều người tích cực tuyên truyền giải cứu cá chép để giúp người dân ở Hải Dương sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.