Cả cộng đồng quyết liệt 'chống dịch như chống giặc'
Với tinh thần 'chống dịch như chống giặc', đến nay nước ta vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Ngay từ những ngày đầu, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã được thành lập từ cấp trung ương đến cấp phường, xã, thị trấn và huy động sự tham gia của đông đảo lực lượng, từ y tế, công an đến cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, mặt trận Tổ quốc, dân phòng...
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đến nay nước ta vẫn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Ngay từ những ngày đầu, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã được thành lập từ cấp trung ương đến cấp phường, xã, thị trấn và huy động sự tham gia của đông đảo lực lượng, từ y tế, công an đến cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, mặt trận Tổ quốc, dân phòng...
Sau 14 ngày bị phong tỏa, tối 20-3, TP Hà Nội chính thức gỡ bỏ lệnh cách ly tại khu phố Trúc Bạch, quận Ba Đình - nơi xuất phát ca bệnh Covid-19 đầu tiên của thành phố. Người dân phấn khởi trở lại với nhịp sống thường ngày, nhưng tại số nhà 113, 125 nơi hai bệnh nhân từng cư trú trước khi nhiễm Covid-19, các thành viên tổ dân quân tự vệ và bảo vệ dân phố vẫn ứng trực. Tại chốt trực đối diện số nhà 113 sáng 24-3, ông Đỗ Trọng Việt, bảo vệ tổ dân phố cho biết: “Công việc hiện giờ “nhàn” hơn rất nhiều, chỉ cần gác và nhắc nhở những ai tò mò đứng lại thì di chuyển nhanh khỏi khu vực. Chứ trước đó, trong 14 ngày phố Trúc Bạch bị cách ly, chúng tôi cùng các lực lượng công an, y tế, dân phòng rồi hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc phường thay nhau trực vòng trong vòng ngoài để kiểm soát người ra vào, đi đo nhiệt độ, phát lương thực, thực phẩm cho người dân. Mỗi ca làm việc kéo dài tám giờ, những ngày thiếu người, anh em trẻ có người còn trực suốt 12 giờ đồng hồ. Có những người 14 ngày liền không về nhà. Công việc bận rộn, vất vả, nhưng ai cũng cố gắng để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả”.
Những ngày này, trụ sở UBND phường Giảng Võ, quận Ba Đình khá vắng vẻ bởi số cán bộ của phường đã được chia đôi, làm việc tại hai địa điểm, bảo toàn lực lượng trước tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng. Phó Chủ tịch UBND phường Giảng Võ Nguyễn Đắc Phong chia sẻ: Ngay khi có thông tin một người trú tại chung cư Lancaster (phố Núi Trúc) dương tính với Covid-19, cả đêm đó các lực lượng chức năng, ban, ngành, đoàn thể của phường đã họp, khẩn trương rà soát các trường hợp có tiếp xúc, chủ động phân loại theo hướng dẫn của Bộ Y tế; ban hành 44 quyết định cách ly và chín thông báo tự cách ly đối với 53 trường hợp. Để người dân yên tâm cách ly, các ban, ngành, đoàn thể của quận và phường kịp thời thăm hỏi động viên, tặng các nhu yếu phẩm cho công dân thuộc diện cách ly. Liên đoàn Lao động quận tặng khẩu trang vải; nước và gel rửa tay khô; Hội Chữ thập đỏ tặng mì tôm, khẩu trang, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận tặng sữa tươi; Phòng Kinh tế quận hỗ trợ các loại rau xanh... Toàn bộ các nhu yếu phẩm này đã được chuyển tới các gia đình cách ly và tự cách ly trên địa bàn phường.
Toàn TP Hà Nội hiện còn hàng nghìn người đang cách ly tại cộng đồng và tại 15 khu tập trung. Từ các quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy đến các huyện Phú Xuyên, Gia Lâm, Hoài Đức... đều có người được cách ly tại cộng đồng. TP Hà Nội đã hoàn thành rà soát, cách ly người nhập cảnh chưa qua cách ly từ ngày 7-3. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đây là thời điểm hướng mạnh về cơ sở, bám sát từng địa bàn để công tác chống dịch đạt hiệu quả... Và đội ngũ cán bộ tại các phường, các khu dân cư, thôn xóm lại tiếp tục căng sức rà soát, nắm thông tin, tuyên truyền yêu cầu những người nước ngoài, du học sinh trở về nước từ vùng có dịch phải thực hiện tốt việc khai báo tình hình lưu trú của mình và khai báo đầy đủ các thông tin y tế của bản thân nhằm kiểm soát nguồn lây nhiễm cho cộng đồng.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh Lê Ngọc Hân, từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, với đặc thù một địa phương có đường biên giới giáp với Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đưa ra phương châm “ba trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; chuẩn bị phương án, phương tiện vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Tỉnh luôn tuân thủ chặt chẽ từ giám sát, phát hiện sớm đến xét nghiệm sớm và điều trị tích cực… Đáng chú ý, toàn tỉnh đã triển khai khai báo y tế; khám ban đầu, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho tất cả người dân trên địa bàn; thành lập các chốt kiểm soát chặt chẽ những người đến và đi khỏi tỉnh Quảng Ninh... Cả hai người mắc Covid-19 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2, sức khỏe ổn định và hàng trăm người được cách ly, theo dõi sức khỏe.
Để có được những kết quả nêu trên, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của ngành y tế và các cơ quan chức năng thì một trong những yếu tố quan trọng là sự tham gia tích cực và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp và người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiêu biểu như: Đoàn Thanh niên đã phát động phong trào “Cùng áo xanh thắng nhanh Covid-19” đến tất cả các cấp bộ đoàn. Các thầy giáo, cô giáo của nhiều cơ sở giáo dục tích cực tham gia nấu cơm tại các điểm cách ly, đưa suất ăn tới các địa điểm cách ly tập trung; phối hợp ngành y tế nhập cơ sở dữ liệu từ khám sức khỏe toàn dân vào hệ thống hồ sơ điện tử; các giáo viên ngoại ngữ tham gia phiên dịch tại chốt khi có khách nước ngoài... Đến nay, nhiều khách sạn ở TP Hạ Long trở thành địa điểm cách ly tập trung tự nguyện cho người nước ngoài, lưu học sinh về nước với giá phòng giảm đến 50% so với niêm yết... Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận hơn năm tỷ đồng từ các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm...
Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 trong tình hình mới. Chỉ thị xác định công tác phòng, chống dịch bệnh giai đoạn này là nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy trong việc phối hợp chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động và giám sát, đặc biệt là nơi tập trung đông người, bảo đảm phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ… Khi có ca nhiễm Covid-19 tại chung cư Hòa Bình, phường 14, quận 10, hơn một nghìn người dân ở các block A1, A2, B1, B2 đã được cách ly. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc trên địa bàn quận 10 đã nhanh chóng tuyên truyền, động viên tinh thần người dân, đồng thời chăm lo đời sống cho bà con nơi đây. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường 14 Vũ Thị Thu Hương cho biết, ngay khi có lệnh cách ly chung cư Hòa Bình, được sự chỉ đạo từ quận, Mặt trận phường đã chuẩn bị 1.000 ổ bánh mì để lo bữa ăn sáng cho cư dân. Những ngày tiếp theo, Mặt trận Tổ quốc quận 10 vận động các thành viên, nhà hảo tâm cung cấp hàng trăm suất ăn miễn phí mỗi ngày cho các hộ dân đang cách ly. Công an phường, dân phòng tại các khu phố cũng thay phiên túc trực, canh gác, chuyển hàng hóa từ ngoài vào trong chung cư cho người dân.
Ngay từ khi có chỉ đạo của cấp trên, các tổ chức chính trị xã hội quận Gò Vấp rất khẩn trương triển khai tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống dịch. Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp Nguyễn Thị Lan, 22 cơ sở Hội đều có những mô hình riêng, phù hợp và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Điển hình như Hội Phụ nữ phường 5 là một trong những đơn vị đầu tiên đi vận động quyên góp vải để may khẩu trang tặng người dân. Đến nay, Hội đã tặng gần 4.000 khẩu trang. “Việc phối hợp phòng, chống dịch Covid-19 giữa Hội Phụ nữ các cấp với các đơn vị khá nhịp nhàng. Các chị em báo cáo viên, tuyên truyền viên, các chị trong ban chấp hành chi hội, tổ hội đã tích cực phát huy vai trò của mình để tuyên truyền cho mỗi người dân trên địa bàn quận biết cách bảo vệ bản thân, tránh để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”, Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp Nguyễn Thị Lan cho biết.