Cá cược trên mạng xã hội có phạm pháp?

Những ngày qua, dư luận xôn xao khi một nữ doanh nhân và nam ca sĩ nổi tiếng 'đấu tố' nhau trên mạng xã hội về việc ăn chặn tiền từ thiện, thậm chí còn công khai thách thức cá cược với nhau nếu bên nào thua sẽ phải trả cho bên kia những đồ vật có giá trị rất lớn. Nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành, hành vi thách đố, cá cược như vậy có trái pháp luật?

Sau khi nữ doanh nhân lên mạng xã hội tố giác một nam ca sĩ có hành vi ăn chặn tiền từ thiện với số tiền lên tới gần 100 tỷ đồng, ca sĩ này cũng nhanh chóng phản hồi khẳng định mình không ăn chặn tiền quyên góp từ thiện, tố cáo lại nữ doanh nhân vu khống mình đồng thời thách thức người này chứng minh.

Nếu đó không phải sự thật, bên tố cáo sẽ phải trả cho bên bị tố cáo một viên kim cương và ngược lại, nếu bên tố cáo thắng sẽ được trả một số tiền rất lớn.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong thực tế, việc các cá nhân cá cược nhau dưới nhiều hình thức diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hành vi này là vi phạm pháp luật (như cá độ bóng đá, cá cược đá gà…).

Đối với vụ việc nữ doanh nhân và nam ca sĩ cá cược nhau với giá trị tài sản rất lớn, bản chất của việc cá cược này chỉ là giao dịch dân sự, không thu lợi bất chính, có dấu hiệu của giao dịch dân sự "hứa thưởng".

Điều 570 Bộ luật dân sự 2015 quy định, người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Tranh luận giữa bà Phương Hằng và ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng về tiền từ thiện thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng

Tranh luận giữa bà Phương Hằng và ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng về tiền từ thiện thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, “hứa thưởng" là hành vi pháp lý đơn phương, thể hiện ý chí ban đầu của một bên chủ thể mà không có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên như hợp đồng dân sự. Nghĩa vụ thực hiện công việc của bên được nhận thưởng trong quan hệ hứa thưởng không phải là nghĩa vụ bắt buộc, nên người này có thể thực hiện hoặc không thực hiện…

Như vậy, pháp luật không hề quy định về giá trị của phần thưởng trong "hứa thưởng", song khi đã công khai "hứa thưởng" thì người "hứa thưởng" phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình - nghĩa vụ trả thưởng.

Còn về hành vi tố giác, “bóc phốt” nhau trên mạng xã hội, Luật sư Nguyễn Thị Thu phân tích, theo Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức) – theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác hoặc tội Vu khống.

Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ca-cuoc-tren-mang-xa-hoi-co-pham-phap-post479530.antd