Cá đá 'cõng hồn' ở Hưng Yên và chuyện thật về 'hồn Trương Ba, da hàng thịt'
Về đây, người ta mới biết tường tận hơn về câu chuyện 'Trương Ba mượn xác anh hàng thịt' là thật hay bịa.
Tích truyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cứ tưởng xa xôi lắm. Hóa ra, ở ngay Hưng Yên có ngôi đền Đế Thích mà thuở xưa gốc tích là một cái am do vợ chồng Trương Ba dựng lên.
Và con cá đá dưới giếng cổ Nho Lâm mà truyền kỳ cho rằng đã đội bia lên đền và “cõng hồn” Trương Ba về làng tưởng không còn.
Hóa ra, cá đá vẫn hiển hiện dưới đáy giếng cổ. Về đây, người ta mới biết tường tận hơn về câu chuyện “Trương Ba mượn xác anh hàng thịt” là thật hay bịa?
Cận cảnh cá đá ở giếng Nho Lâm.
Trương Ba mượn xác
Câu chuyện Trương Ba mượn xác anh hàng thịt phát tích chính từ một ngôi làng có tên Liêu Hạ, xã Tân Lập, Yên Mỹ, Hưng Yên.
Câu chuyện ấy sau này được kịch tác gia Lưu Quang Vũ dựng lại hoàn hảo. Tuy nhiên, nhiều người cứ mường tượng chuyện này là huyễn hoặc, khó tin.
Nhưng đến nơi này, câu chuyện ấy trở nên thật hơn và người dân cũng tin là không phải chuyện bịa. Có lẽ, những dấu vết còn lại và những sắc phong vua ban thời Lý như một “dấu triện đỏ” công nhận về chuyện ly kỳ ấy.
Trương Ba là cờ thủ giỏi nổi tiếng, lại cư xử nhẹ nhàng với vợ nhưng họ không có một mụn con. Ngược lại, gia đình người bán bán thịt lại hay bất hòa. Hàng thịt có với vợ một người con gái, vì không thỏa mãn điều đó nên ông thường xuyên đánh vợ mình.
Nhà nghiên cứu Trần Quốc Chính khẳng định Trương Ba là nhân vật có thật.
Rồi một hôm, Đế Thích thấy Trương Ba đánh cờ quá hay nên ông hạ giới để chơi cùng và tặng 3 nén nhang để khi nào muốn chơi cờ với ông thì cứ đốt nén nhang đó. Không lâu sau, Trương Ba chết và cô vợ vô tình thắp nén nhang mà Đế Thích tặng Trương Ba.
Đế Thích thấy “tín hiệu” thì lập tức hạ giới. Biết chuyện, vì thương bạn mất sớm và muốn vợ Trương Ba bớt buồn rầu nên ông hứa sẽ làm Trương Ba sống lại. Lúc ấy, ông hàng thịt cũng qua đời mà Đế Thích không tìm được xác Trương Ba nên cho hồn người bạn nhập vào xác anh hàng thịt.
Trương Ba phục sinh trong thân xác anh hàng thịt thì mới ngỡ ngàng chạy về với vợ. Vợ ông thay vì vui mừng lại bất ngờ, sợ hãi vì lúc này bà không nghĩ đó là chồng mình. Sau khi nghe Trương Ba kể lại thì bà mới tin. Còn vợ anh hàng thịt thì oán ức, ghen tuông cứ nằng nặc đó là chồng mình rồi cả hai bà vợ cùng nhau kiện lên quan trên.
Quan hỏi người bán thịt nhận ai là vợ, anh ta chỉ vào vợ Trương Ba. Quan hỏi cách làm thịt lợn như thế nào, anh ta nói không biết.
Lại hỏi đến cách đánh cờ, anh ta trả lời rất thạo. Viên quan lấy làm khó xử vì hồn của người này mà xác của người kia, mới gọi vợ Trương Ba hỏi nhỏ xem trong khi chồng còn sống có làm điều gì đặc biệt không.
Vợ Trương Ba thật tình kể lại việc Đế Thích xuống đánh cờ và cho 3 nén nhang thần. Viên quan cho đòi riêng người bán thịt đến hỏi có biết Đế Thích không, anh ta trả lời như vợ Trương Ba nói. Vì thế, quan xử cho anh hàng thịt được về nhà Trương Ba.
Cá đá dưới giếng cổ
Hai vợ chồng Trương Ba cảm kích trước ơn huệ của Đế Thích thì mới lập một cái am nhỏ ở phần đất thổ cư của mình để ngày đêm hương nến.
Theo một vài câu chuyện cổ mà nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Quốc Chính – cũng là người làng Liêu Hạ sưu tầm, thì đền Đế Thích trở thành chốn thiêng liên quan đến một con cá đá khổng lồ.
Nhiều người cho rằng, con cá đá này chính là kình ngư mà hồn Trương Ba cưỡi về nhập vào xác anh hàng thịt. Đồng thời, cá đá còn theo dòng sông Cốc đội một chiếc khánh đá vào trong am Đế Thích. Sau đó, cá xuôi dòng và chững lại trong giếng cổ Nho Lâm.
Chuông và khánh đồng cổ ở đền Đế Thích.
Vào thời nhà Lý dưới triều vua Lý Thánh Tông đất nước thái bình thịnh trị, biết đến câu chuyện lạ cá đá đội khánh đá ở Liêu Hạ, thái tử Quốc công và hai Lý công chúa đã về đây xây dựng ngôi đền.
Đền cứ mỗi lần bị phá lại được xây dựng, tôn tạo nhưng đến năm 1954 thì chỉ còn lại phế tích trong khu đất hoang của gia đình Trương Ba.
Người ta đành xây lại ngôi đền Đế Thích ở một khu đất khác. Ông Nguyễn Khắc Mạnh, Trưởng ban quản lý đền dẫn chúng tôi ra giếng cổ Nho Lâm để “tận mục sở thị” con cá đá huyền thoại. Giếng cổ có hình dáng như một quả bàng, nước rất trong và mát.
Ông Mạnh khẳng định: “Giếng không bao giờ cạn nước dù đem máy ra bơm suốt ngày đêm. Giếng tuy không sâu nhưng có mạch nước phun lên rất mạnh. Giếng từng là nơi cung cấp nước cho cả làng cả xã, vì thế giếng cổ còn là bảo vật thiêng của cả làng”.
Theo quan sát của chúng tôi, một tảng đá xanh rêu phong nằm dưới đáy giếng. Tảng đá dài khoảng 1,5m, hình dáng như một con cá có kích cỡ lớn.
Ông Mạnh bảo rằng, con cá đá và rất nhiều cổ vật khác trong đền Đế Thích là những bằng chứng cho câu chuyện có thật về nhân vật Trương Ba.