Cả dân tộc đồng lòng, đến chịu thua bà Hồng Ngát
Để lọt thông tin độc hại vào môi trường văn hóa hay để lọt những những con sâu độc vào đội ngũ cán bộ đều nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Câu chuyện “anh em trong cơ quan” thuộc Bộ Tư pháp “luộc” dữ liệu ô nhiễm môi trường Hà Nội từ 14 năm trước trong Dự thảo báo cáo trình Quốc hội vẫn chưa lắng xuống thì lại đến phát ngôn vô trách nhiệm của bà Hồng Ngát – thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia khi bà này cho rằng bộ phim “Người tuyết bé nhỏ” (tiếng Anh là Abominable) chỉ cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò “Có mấy giây thôi mà mọi người cứ làm quá lên”.
Bộ phim hoạt hình Abominable là sản phẩm hợp tác giữa Mỹ (hãng DreamWorks Animation) và Trung Quốc (Công ty Pearl Studio) và vì vậy việc cài cắm “Đường lười bò” không bao giờ là sự “ngây thơ” của những người làm phim Trung Quốc.
Xin thưa với các vị hội đồng duyệt phim là các vị không chỉ được giao trách nhiệm duyệt các phim chiếu rạp mà còn là trách nhiệm đối với chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của tổ quốc trên Biển Đông, nhất là khi Trung Quốc đang tăng cường xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngoài Biển Đông.
Ngồi duyệt phim các vị có biết chỉ cần mấy giây phát lửa là cả khu nhà xưởng Công ty Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) biến thành tro bụi và thảm họa môi trường đã khiến Viện Hóa học môi trường quân sự phải tiến hành công tác tẩy độc?
Các vị có biết chỉ một que diêm bé tí có thể đốt cháy cả cánh rừng?
Dùng những từ nặng nề để nói về ý kiến của bà Hồng Ngát là không cần thiết song không thể không nhắc bà Ngát, rằng “Phát biểu của bà không đơn thuần là sự ngây thơ về chính trị mà còn là xúc phạm đến vong linh những người lính hải quân (cả Bắc và Nam) đã hy sinh cuộc đời bảo vệ chủ quyền tổ quốc trên Biển Đông trước tội ác man rợ của kẻ thù và âm mưu thôn tính lãnh thổ nước Việt kể từ khi Vua Hùng dựng nước”.
Phát biểu của bà Hồng Ngát diễn ra trong bối cảnh Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa yêu cầu các vị Ủy viên trung ương “Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua”.
Vậy phải chăng “đừng làm quá lên chuyện đường lưỡi bò” chỉ là suy nghĩ “sâu sắc như cơi đựng trầu” của đàn bà mà các cụ ví von hay cũng cho thấy quan điểm của ai đó trước dã tâm “xâm lược mềm” của “ông bạn 16 chữ”?
Còn nhớ năm 2018, bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ cũng lọt lưới kiểm duyệt và được công chiếu tại rạp nhiều ngày trước khi đơn vị phát hành ngừng chiếu vì bị dư luận lên án.
Không ít trường hợp, sự tồn tại của những Hội đồng tầm cỡ “Quốc gia” hay “Nhà nước” trở thành nỗi nhức nhối của dân chúng.
Từng có chuyện Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước để lọt khá nhiều người không đạt chuẩn, sau khi bị truyền thông phát hiện và bị dư luận phản đối dữ dội, hơn 40 người đã bị gạt tên khỏi danh sách công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Cuối năm 2018, trước khi dự án cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào sử dụng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra, đánh giá và chấp thuận cho đưa công trình vào khai thác, nhưng chưa được một năm đã bị hỏng nhiều chỗ.
Và nay là “Hội đồng duyệt phim Quốc gia”, không biết cơ quan này làm việc không công hay ngân sách vẫn phải bao cấp?
Nếu nhận tiền từ những đồng thuế chắt chiu của dân mà vô trách nhiệm như thế thì có nên để tồn tại?
Điệp khúc “nhận trách nhiệm” đã trở thành tấm khiên che chắn cho những hành động dù chưa đến mức gọi là phản bội tổ quốc thì cũng là “Nối giáo cho giặc”.
Làm công tác trong lĩnh vực văn hóa chẳng lẽ họ không biết câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy?
Không phải lần đầu tiên để lọt những thông tin mà các thế lực bành trướng mong muốn liệu chỉ là vô tình hay cố ý?
Báo Nguoiduatin.vn cho rằng:
“Hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện rõ nét trong 2 đoạn và 4 cảnh phim khiến khán giả bức xúc.
Không cần bàn cãi thêm, hình ảnh đường lưỡi bò đầy phản cảm là minh chứng cho việc kiểm duyệt yếu kém ở Việt Nam”. [1]
Nhận định trên có vẻ không chính xác cho lắm vì có trường hợp một bài báo bị bắt gỡ, bị buộc phải đính chính và phạt rất nhiều tiền chỉ vì một hai từ bị coi là vi phạm.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thu Hà đã phát biểu với báo Thanh Niên rằng:
“Chúng tôi sẽ nhắc nhau cảnh giác hết sức, để công việc của hội đồng được thận trọng hơn.
Nhưng người nhận trách nhiệm sẽ là tôi, chứ không thể bắt chủ tịch hội đồng nhận trách nhiệm được.
Thường thì Cục trưởng Cục Điện ảnh không có trách nhiệm xem toàn bộ phim cần duyệt. Nhưng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước”. [2]
Cách nhận trách nhiệm duy nhất với vị Cục trưởng là viết đơn xin từ chức, còn với vị “chỉ có mấy giây” là xin xóa tên khỏi Hội đồng duyệt phim.
Muốn giải quyết tận gốc vấn đề, kỷ luật hành chính những người sai phạm là chưa đủ.
Khi “Thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng” thì phải xem xét dưới góc độ hình sự, điều này đã có trong luật.
Liên quan đến vụ việc không chỉ các thành viên Hội đồng duyệt phim, lãnh đạo Cục Điện ảnh.
Để lọt thông tin độc hại vào môi trường văn hóa hay để lọt những những con sâu độc vào đội ngũ cán bộ đều nguy hiểm cho an ninh quốc gia, điều này chẳng cần văn hóa cao siêu mà người nông dân chân đất cũng biết.
Vì thế bài viết “Chỉ có những người vô trách nhiệm với đất nước mới phát hành phim cài cắm 'đường lưỡi bò' ở Việt Nam” [3] trên Vtc.vn vẫn còn là rất nhẹ./.
Tài liệu tham khảo:
[1] //www.nguoiduatin.vn/vai-giay-thoi-de-lot-phim-co-duong-luoi-bo-va-phat-ngon-phan-cam-cua-hoi-dong-kiem-duyet-a452686.html
[2] //www.phunuonline.com.vn/van-hoa-giai-tri/hoi-dong-duyet-phim-quoc-gia-ngoai-tha-trong-chan-166971/
[3] //vtc.vn/chi-co-nhung-nguoi-vo-trach-nhiem-voi-dat-nuoc-moi-phat-hanh-phim-cai-cam-duong-luoi-bo-o-viet-nam-d504129.html