Cả đời nghiên cứu vật liệu composite
2 năm liên tiếp 2019 và 2020, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức lọt vào tốp 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí PLoS Biology của Mỹ công bố.
Thành công của ông góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống đất học xứ Đông.
Đam mê khoa học
GS Nguyễn Đình Đức sinh năm 1963, hiện công tác, sinh sống tại TP Hà Nội. Ông có quê nội ở thôn Huề Trì, phường An Phụ (Kinh Môn). GS Đức kể năm 6 tuổi, ông rời quê hương theo gia đình lên lập nghiệp ở Yên Bái. Ông là học sinh xuất sắc nhất của lớp chuyên toán khóa I năm1978 của tỉnh Hoàng Liên Sơn và cũng là thủ khoa của Khoa Toán - Cơ (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) năm 1984.
Sự nghiệp nghiên cứu khoa học của GS Đức thực sự thăng hoa khi năm 27 tuổi ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán - lý với đề tài "Các tiêu chuẩn bền của composite cốt sợi đồng phương" tại Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (Nga). Sau đó 7 năm, ông tiếp tục bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học Nga với đề tài nghiên cứu về vật liệu composite carbon-carbon 3 pha. Vật liệu này siêu bền, siêu nhẹ, chịu được nhiệt độ cao lên đến hàng nghìn độ. Năm 1999, kết quả nghiên cứu về composite siêu bền có cấu trúc không gian của ông đã được cấp bằng phát minh.
Trước những thành công trong nghiên cứu khoa học, năm 1997, GS Đức được nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới mời đến làm việc. Giáo sư Đức nhớ lại: "Tôi đã phải mất hơn 1 tháng để cân nhắc, đắn đo nên về nước hay đến làm việc cho một số trường đại học của nước ngoài. Cuối cùng, tôi chọn về nước làm khoa học mặc dù biết sẽ gặp rất nhiều chông gai".
Đúng như băn khoăn của GS Đức, về nước thời điểm đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ chính sách dành cho nghiên cứu khoa học hầu như bằng không. Được sự động viên, khích lệ của mọi người, GS Đức không chùn bước trước gian nan, thử thách để kiên trì đeo đuổi khoa học. Mất gần 10 năm sau khi về nước, GS Đức mới có đề tài công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI (Viện Thông tin khoa học, Mỹ).
Với mong muốn xây dựng, phát triển nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng đào tạo, ông quyết tâm thành lập phòng thí nghiệm vật liệu và kết cấu hiện đại tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào năm 2015. "Đào tạo phải gắn với nghề, nhu cầu thực tế mới thu hút được người học và đam mê nghiên cứu khoa học. Mô hình phòng thí nghiệm trong trường đại học là hướng đi mà nhiều trường đại học hàng đầu của thế giới đã triển khai", GS Đức chia sẻ. Từ phòng thí nghiệm này, ông đã truyền lửa, dìu dắt nhiều thế hệ sinh viên say mê học tập, nghiên cứu đạt thành tích xuất sắc và có nhiều đề tài khoa học công bố trên những tạp chí hàng đầu của thế giới.
Tiên phong
Cả đời GS Đức theo đuổi nghiên cứu về sản phẩm composite. Vị giáo sư tài năng không ngừng nghiên cứu, sáng tạo những vật liệu mới có giá trị khoa học và tính ứng dụng thực tiễn cao.
Mỗi khi nhắc đến GS Đức, giới khoa học trong nước và thế giới đều nhắc đến thành quả trong việc áp dụng những nghiên cứu lý thuyết đề xuất sử dụng các hạt nano titan oxit là thành phần gia cường làm tăng khả năng chống thấm, chống giòn, chống nứt cho vật liệu composite polymer. Sáng kiến này của ông đã đưa vào áp dụng chế tạo đà máy tàu thủy bằng composite ở một doanh nghiệp đóng tàu của Việt Nam và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng giải pháp hữu ích năm 2016.
Ngoài ra, đề tài về vật liệu chức năng thông minh của ông từ những composite thế hệ mới có cơ lý tính biến đổi, độ bền cơ học, bền nhiệt rất cao được sử dụng rộng rãi trong các kết cấu của nhà máy điện nguyên tử, hàng không vũ trụ, các chi tiết máy. GS Đức cũng đi đầu nghiên cứu về tính ổn định và động lực học của kết cấu composite có lớp vật liệu auxetic, tác dụng giảm chấn động cực mạnh được sử dụng bảo vệ các kết cấu, công trình chống va đập trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, xây dựng.
Những thành tựu nghiên cứu khoa học của ông đã được thế giới công nhận, khẳng định. Điều này thể hiện trong 2 năm liên tiếp 2019 và 2020, GS Đức lọt vào tốp 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí PLoS Biology của Mỹ công bố. Đặc biệt, năm 2020, ông xếp thứ 5.789 - vị trí cao nhất trong 3 nhà khoa học của Việt Nam lọt vào tốp này. Ông còn là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam lọt vào tốp 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời. Cùng với đó, công thức phi tuyến xác định các mô đun đàn hồi cho composite hạt nano của ông đã được cộng đồng khoa học gắn với tên "Vanin - Nguyen Dinh Duc" (GS.TSKH G.A Vanin là nhà khoa học lỗi lạc của Nga).
Chia sẻ về việc đạt được những thành quả trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học những năm qua, GS Đức cho rằng đó là một phần được kết tinh từ truyền thống đất học xứ Đông đã nuôi dưỡng khát vọng, đam mê cho ông. Ông luôn theo dõi, ủng hộ sự nghiệp giáo dục của Hải Dương. Những học trò của Hải Dương học hoặc biết ông đều được ông giúp đỡ, chỉ bảo tận tình.