Cả đời 'sống chết' với rừng, lại bị quy 'phá rừng'(?!) (kỳ cuối)
Đến viện kiểm sát tỉnh "giữ nguyên cáo trạng"
TAND H.Hàm Thuận Nam đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 03/4/2023 với Hội đồng xét xử (HĐXX) do Thẩm phán Đỗ Quốc Hội làm chủ tọa. Nhận thấy có nhiều chứng cứ quan trọng không thể bổ sung tại phiên tòa, thay mặt HĐXX, Thẩm phán Đỗ Quốc Hội ký QĐ số 01/2023/HSST-QĐ ngày 17/4/2023, trả hồ sơ cho Viện KSND H.Hàm Thuận Nam điều tra bổ sung, trong đó có 3 điểm liên quan đến Kết luận giám định (KLGĐ).
Thứ nhất, thu thập các tài liệu liên quan đến hoạt động giám định mà Giám định viên (GĐV) Nguyễn Văn Minh sử dụng làm căn cứ để thực hiện việc giám định và ban hành KLGĐ số 01/KLGĐ-2017 ngày 18/10/2017 và KLGĐ bổ sung. Trong đó, thu thập "phiếu điều tra rừng" đính kèm theo biên bản "giám định ngoại nghiệp" lập ngày 17/7/2017 do GĐV Minh và GĐV Lê Văn Sơn lập.
Thu thập các tài liệu trong hồ sơ giám định mà GĐV Nguyễn Tử Kim sử dụng làm căn cứ để thực hiện việc giám định và ban hành KLGĐ số 01 ngày 27/02/2020 và KLGĐ bổ sung ngày 02/12/2020. Yêu cầu các GĐV ký xác nhận vào các tài liệu cung cấp, có đóng dấu xác nhận chữ ký của công chứng viên.
Thứ hai, thu thập các tài liệu, làm rõ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cá nhân, tổ chức trợ giúp cho GĐV Minh và GĐV Kim; những tài liệu liên quan đến vai trò, công việc mà họ đã đảm nhiệm, thực hiện trong quá trình giám định?
Thứ ba, có văn bản đề nghị Viện Điều tra, Quy hoạch rừng cung cấp thông tin, làm rõ nội dung trong văn bản đề ngày 21/02/2020 gửi cho ông Nguyễn Tử Kim. Văn bản này của Trung tâm Tư vấn và Phát triển nông nghiệp (thuộc Viện Điều tra, Quy hoạch rừng) cho rằng các năm 2011, 2012, 2013 không có dữ liệu nên không cung cấp thông tin cho ông Kim về trữ lượng? Lý do cụ thể như thế nào? Viện Điều tra, Quy hoạch rừng có xác định về hiện trạng rừng tại thời điểm tháng 10/2011 đối với khu đất 118ha hay không?
Trên cơ sở kết quả thu thập chứng cứ, điều tra, đánh giá chứng cứ, tính hợp pháp, có căn cứ của KLGĐ số 01, KLGĐ số 01/KLGĐ-2017 và các KLGĐ bổ sung. Trong trường hợp xét thấy cần thiết thì tiến hành trưng cầu giám định tập thể (phù hợp với mỗi nội dung yêu cầu giám định) để giám định lại hoặc giám định bổ sung, xác định cụ thể thiệt hại xảy ra và các vấn đề khác cần chứng minh trong vụ án. Trên cơ sở đó, xem xét, đánh giá tính chất, cấu thành tội phạm và các vấn đề liên quan đối với hành vi của từng bị cáo; đồng thời, khắc phục các vấn đề còn thiếu sót trong Cáo trạng 09.
Ngày 07/6/2023, Viện KSND tỉnh Bình Thuận có văn bản số 22/VKS-P1 do Phó Viện trưởng Phùng Bá Thắng ký, xác định: Liên quan đến nội dung thứ nhất và thứ hai, Viện kiểm sát (VKS) đã thực hiện.
Về nội dung thứ ba: Tại văn bản trả lời ngày 21/02/2020, Trung tâm tư vấn và phát triển nông nghiệp đã nêu rõ các năm 2011, 2012, 2013 không có dữ liệu nên không cung cấp thông tin cho GĐV Kim. Lý do, Trung tâm không có dữ liệu cung cấp, không làm thay đổi KLGĐ, bản chất vụ án nên yêu cầu này VKS không thực hiện.
Về nội dung thứ tư: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án không có căn cứ xác định việc giám định của GĐV Minh và GĐV Kim là không chính xác, không khách quan, không vô tư nên không có cơ sở để trưng cầu giám định tập thể.
Viện KSND tỉnh Bình Thuận nhận thấy kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi bản chất của vụ án, không ảnh hưởng đến việc đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị can, nên giữ nguyên quan điểm truy tố tại bản Cáo trạng số 09 và chuyển lại hồ sơ vụ án cho TAND H.Hàm Thuận Nam để xét xử theo quy định.
Nguyên chánh tòa hình sự lên tiếng
Trao đổi với PV Chuyên đề Công an TPHCM, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế, cho biết: Với tư cách luật sư trợ giúp pháp lý cho ông Nguyễn Tiến Dũng, ông và luật sư Lê Quang Minh (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có nhiều kiến nghị gửi Tòa án và Viện KSND H.Hàm Thuận Nam, nêu hàng loạt vấn đề liên quan đến vụ án.
Hồ sơ vụ án thể hiện: Ông Dũng và các bị can bị khởi tố tội "Hủy hoại rừng" nhưng đây không phải là vụ án bị bắt quả tang nên không có biên bản khám nghiệm hiện trường, không có bản ảnh thể hiện rừng bị hủy hoại, không kiểm đếm số gỗ bị chặt phá để chứng minh hành vi phạm tội của các bị can. Cơ quan điều tra không thu giữ vật chứng. Trong quá trình giải quyết, Cơ quan điều tra đã nhiều lần tạm đình chỉ điều tra, rồi lại phục hồi điều tra; vụ án kéo dài từ năm 2017 đến 2022, cơ quan tố tụng mới ban hành được kết luận điều tra và cáo trạng. Vụ án có nhiều tình tiết liên quan đến văn bản của các ngành, các cấp ở địa phương và Trung ương.
Ông Quế nhấn mạnh: Diện tích rừng san ủi để trồng cao su tại tiểu khu 279 thuộc xã Hàm Cần, H.Hàm Thuận Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố tại QĐ số 03 ngày 05/01/2001, xác định hiện trạng là "RI" (trảng cỏ, lùm bụi). Từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến khi đất rừng bị san ủi để trồng cao su, không có bất cứ QĐ hay văn bản nào khác của Chính phủ xác định phần đất tại tiểu khu 279 là rừng "RII", nên khu đất này vẫn là rừng "RI".
Để xem xét trách nhiệm của các bị cáo, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định văn bản có giá trị cao nhất là QĐ số 03 của Thủ tướng Chính phủ. Cáo trạng truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo bằng những văn bản, lời khai, báo cáo của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh mà không căn cứ vào QĐ số 03 là trái quy định về áp dụng pháp luật.
Liên quan đến việc giám định và KLGĐ, ông Quế nêu quan điểm: Đây là căn cứ rất quan trọng nhằm xác định thiệt hại. Tuy nhiên, kết quả mà GĐV đưa ra chỉ là suy đoán, ước tính, không có căn cứ vững chắc. Hơn nữa, phương pháp mà GĐV sử dụng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên không có giá trị chứng minh. Tại văn bản số 698/TCLN-KL ngày 01/6/2020, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định: "Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chưa có quy định cụ thể về phương pháp giám định hiện trạng rừng tại thời điểm nào đó trên diện tích hiện nay không còn rừng. Trường hợp sử dụng phương pháp khác thì phải có biện pháp kỹ thuật, hoặc phương án thực hiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cụ thể đối với từng trường hợp".
Do đó, ông Dũng khiếu nại cho rằng KLGĐ số 01 của GĐV Nguyễn Tử Kim trái pháp luật là có căn cứ.
Việc cơ quan tố tụng xác định 59,79ha rừng hiện trạng "RII" bị hủy hoại với trữ lượng gỗ là 2.401,4m3, tổng giá trị thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường rừng 5,648 tỷ đồng là không có căn cứ, vi phạm Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ. Thực tế, phần đất 118 ha tại tiểu khu 279 nay đã thành rừng cao su, đây là kết quả của việc thực hiện HĐ số 59 giữa Công ty LNBT với Công ty PS, tuân thủ theo QĐ số 03 ngày 05/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản 691/UBBT-NLN ngày 19/3/2003 của UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo ông Quế, những vấn đề mà Tòa án đề nghị VKS điều tra bổ sung là có căn cứ. VKS nhận được QĐ trả hồ sơ vụ án nhưng không thực hiện điều tra bổ sung, mà ban hành công văn số 317/VKS ngày 20/10/2022 "bác toàn bộ" QĐ của Tòa án. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 03/4/2023, sau khi xét hỏi, tranh tụng, HĐXX tiếp tục ra QĐ trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Việc này là cần thiết, đúng pháp luật, nhằm tránh kết án oan sai. Tuy nhiên, một lần nữa VKS không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Tòa án.
Những vấn đề ông Quế nêu cùng với đơn kêu oan của ông Dũng sẽ được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm, dự kiến diễn ra trong cuối tháng 9/2023.
Ngoài ông Dũng, ông Nguyễn Hoàng Cẩn cũng có đơn kêu cứu, đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án, tránh oan sai. Ông Cẩn cho rằng, cáo trạng truy tố ông chủ yếu dựa vào KLGĐ số 01 của GĐV của Nguyễn Tử Kim. KLGĐ này không khách quan, chỉ "ước tính" nên không chính xác, không có giá trị. Chính Viện trưởng Viện KSND H.Hàm Thuận Nam ký văn bản số 347/VKS ngày 20/10/2022 phúc đáp cho Tòa án, cũng xác định "không có căn cứ để xem xét tính chính xác trong việc giám định của GĐV". Ông Cẩn cho biết, đã có đơn đề nghị trưng cầu giám định lại (giám định tập thể) để làm rõ sự thật khách quan, đảm bảo vụ án được giải quyết chính xác, đúng pháp luật, không gây oan sai, nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét.