Cả đời theo bả trạo...

Về xã biển Bình Minh (H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), hỏi ông Tám 'bả trạo' thì hầu như ai cũng biết. Có được biệt danh này vì ông là một người đam mê hát bả trạo và giữ 'chức' Tổng Tiền của đội hát bả trạo xã Bình Minh, là người tâm huyết và có nhiều đóng góp lớn trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát bả trạo nơi đây…

Về xã biển Bình Minh (H. Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), hỏi ông Tám “bả trạo” thì hầu như ai cũng biết. Có được biệt danh này vì ông là một người đam mê hát bả trạo và giữ “chức” Tổng Tiền của đội hát bả trạo xã Bình Minh, là người tâm huyết và có nhiều đóng góp lớn trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát bả trạo nơi đây…

Ông Trần Văn Tâm với vai trò là Tổng Tiền của đội hát bả trạo xã Bình Minh.

Ông Trần Văn Tâm với vai trò là Tổng Tiền của đội hát bả trạo xã Bình Minh.

Hát bả trạo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013, đây là hình thức văn hóa đặc thù, biểu hiện tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân địa phương ven biển, có sự kết hợp nhuần nhuyễn về nghệ thuật, nghi lễ, múa dân gian với âm nhạc dân ca truyền thống của cư dân miền biển. Thông qua hát bả trạo đã giúp những người quanh năm ra khơi, vật lộn mưu sinh nơi đầu sóng nói lên tiếng lòng tri ân đối với biển cả.

Trong câu chuyện tìm hiểu về “nghiệp” hát bả trạo, ông Tám chia sẻ chân thành. Vốn sinh ra và gắn bó ở làng biển xã Bình Minh, khi lớn lên ông chứng kiến một nét đặc sắc văn hóa của cha ông ở đây duy trì bao đời nay là lễ cúng cá Ông đặc trưng của vùng biển. Vì vậy, câu hát bả trạo thấm thía trong ký ức ông Tám và trở thành niềm đam mê theo ông từ những ngày còn nhỏ. Qua năm tháng thời gian, đến nay ông dường như có mặt ở hầu hết các lễ cầu ngư để nghe hát bả trạo và vừa nhẩm theo những từ ngữ, câu hát trong phần lễ hát bả trạo. Từ năm 2012, Phòng Văn hóa – Thông tin H. Thăng Bình thành lập Câu lạc bộ hát bả trạo, trong đó có 18 con trạo, 4 ông Tổng và ông Trần Văn Tám đảm nhận vai Tổng Tiền hay còn gọi là Tổng Mũi. Theo đó, nhiệm vụ của ông trong lễ cầu ngư hát bả trạo là điều khiển con thuyền, con trạo theo như các động tác vào thuyền, chèo thuyền và điều khiển trạo nghỉ ngơi. Ông Tám cho biết thêm: “Hát bả trạo không nặng về yếu tố hát hay hoặc dở mà chủ yếu là niềm yêu thích mà mang yếu tố tâm linh là chính, khi vào vai diễn thì cố gắng chuyển tải mỗi lòng của người đi biển được sự cầu mong để cho việc ra khơi được bình an và may mắn”...

Gần 10 năm đảm nhận vai trò của Tổng Mũi, ông Tám đã cùng với các thành viên khác tham gia rất nhiều lễ cầu ngư ở các xã vùng đông của H. Thăng Bình như Bình Hải, Bình Nam, Bình Dương, Bình Minh vào các dịp lễ hội. Theo ông Tám, hát bả trạo đòi hỏi người theo đuổi phải tâm huyết, khổ công luyện tập, thuộc lòng nhuần nhuyễn ca từ, điệu múa và giai điệu của cả bài hát. Vì đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ, linh thiêng, không chấp nhận sai sót. Người hát bả trạo phải đồng thời là ngư dân dãi dầu mưa nắng, bám biển, hiểu từng cơn gió, ngọn sóng. Từ đó mới đem niềm vui, nhiệt huyết của người con miền biển gửi gắm linh thiêng và thể hiện trọn vẹn vào lời hát bả trạo.

Hát bả trạo mang đậm truyền trống văn hóa cư dân miền biển.

Hát bả trạo mang đậm truyền trống văn hóa cư dân miền biển.

Ông Tám đã đi về các làng quê vùng biển H. Thăng Bình, gặp gỡ các lão làng để viết lại các câu hát bả trạo. Cùng với việc sưu tầm, tìm hiểu, học hỏi loại hình hát bả trạo và từ đó ông thành lập đội bả trạo ở xã Bình Minh rồi dàn dựng, tập luyện kỹ càng để đi trình diễn ở các lễ hội cầu ngư là một “câu chuyện” dài về tâm huyết của ông. Ông Tám cho biết: “Hát bả trạo chia làm 4 hồi. Hồi 1 hát tạ ơn thần Nam Hải, hồi 2 là nhổ neo và đưa thuyền ra khơi đánh bắt cá, hồi 3 là thuyền gặp sóng to gió lớn phải cầu cứu thần Nam Hải và hồi 4 là thần Nam Hải đưa thuyền vào bờ. Mỗi câu hát điệu lý đều mang màu sắc tâm linh khắc họa hình ảnh ngư dân vạn chài trong vệc bám biển và cầu mong tôm cá đầy khoang, bình yên sau mỗi chuyến ra khơi”. Hát bả trạo có nghĩa là hát có kèm theo động tác múa và đây là một loại hát múa dân gian được tổ chức theo tục lệ nhân dịp lễ tế cá Ông và trong các lễ hội cầu mùa, ra quân đánh bắt đầu năm của ngư dân nên ông Tám luôn đau đáu về đội ngũ kế cận để lưu giữ nghệ thuật hát bả trạo. Ông Tám cũng là người có công lớn trong việc tìm kiếm, tập hợp những người cùng tâm huyết, say mê và trao truyền lại cho những người trẻ tuổi, đến với hát bả trạo để xã biển Bình Minh hôm nay giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo này. Hằng năm, CLB tổ chức giao lưu với các đội hát bả trạo các xã khác của huyện Thăng Bình, Núi Thành…

Hiện nay, mỗi năm xã Bình Minh đều tổ chức hát bả trạo vào dịp lễ hội, đặc biệt là lễ cầu ngư với chương trình ngày càng quy mô hơn về bộ trang phục may đẹp mắt, ông tổng chèo đi chân hia, đầu đội mũ cánh chuồn, các bộ gươm kiếm được chuẩn bị đầy đủ hơn, các quân bài cờ hát cũng thêm phần huyên náo. Có được điều này là tâm huyết của lớp cha anh và quyết tâm gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát bả trạo truyền thống mà ông Tám là người có công đóng góp lớn cho địa phương.

Thảo Nguyên

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_242294_ca-doi-theo-ba-trao.aspx