Cả Israel và Hamas đều bị chỉ trích vì hành vi gây hại cho dân thường
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Israel và Palestine chỉ trích cả Israel và phong trào Hồi giáo Hamas vì có cách động thái gây hại cho dân thường.
Theo kênh CNN ngày 10/10, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng lời kêu gọi mà Bộ trưởng Quốc phòng Israel đưa ra ngày 9/10 về bao vây toàn diện Gaza là một hình thức trừng phạt tập thể.
Ông Omar Shakir, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Israel và Palestine, đã chỉ trích những bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cáo buộc Israel sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh.
Theo ông Shakir, 2,2 triệu người Palestine ở Gaza chịu nhiều rủi ro khi sống dưới tình trạng phong tỏa kéo dài của Israel. Ông kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế can thiệp.
Trong một tuyên bố đăng lên trang web của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ông Shakir cũng lên án các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào cộng đồng Israel. Theo ông, cố tình tấn công dân thường, tấn công bừa bãi và bắt dân thường làm con tin cũng bị coi là tội ác chiến tranh theo luật nhân đạo quốc tế.
Ông nhận định: “Các cuộc tấn công bất hợp pháp và bạo lực có hệ thống trong khu vực suốt nhiều thập kỷ qua sẽ tiếp tục, chừng nào nhân quyền và trách nhiệm giải trình vẫn bị coi thường”.
Tới nay, có ít nhất 900 người Israel đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas, trong khi chính quyền Gaza báo cáo có ít nhất 687 người chết. Ngoài ra, hàng nghìn người ở cả hai phía bị thương và cả trăm người đang bị bắt giữ làm con tin.
Trước đó, ngày 9/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã ra lệnh bao vây hoàn toàn Gaza và tuyên bố sẽ ngừng cung cấp điện, thực phẩm, nước và nhiên liệu tới khu vực này.
Ngày 9/10, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết: “123.538 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Gaza, hầu hết do lo ngại xung đột và nhà bị phá hủy”. Trên 73.000 người đang tạm trú tại các trường học được bố trí trở thành nơi trú khẩn cấp cho người dân. Người phát ngôn của Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), ông Adnan Abu Hasna cảnh báo con số sẽ gia tăng hơn nữa. Theo quan chức này, UNRWA cung cấp đồ ăn, nước sạch, hỗ trợ tâm lý và thuốc men cho người trú tại các trường học nói trên.
Căng thẳng giữa Israel và Palestine đã tồn tại từ trước khi Israel thành lập năm 1948. Cuộc tấn công mới nhất của Hamas đã trở thành bước ngoặt trong cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel.
Trước diễn biến căng thẳng leo thang tại Dải Gaza, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Trung Đông Tor Wennesland đã gọi đây là tình huống bên bờ vực nguy hiểm, kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và bảo vệ dân thường.
Đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Tuerk bày tỏ bị sốc trước thông tin về các vụ tấn công tại Dải Gaza, nhấn mạnh rằng dân thường không bao giờ là mục tiêu của các vụ tấn công”. Ông cũng kêu gọi Israel thận trọng tránh thương vong cho dân thường, trong bối cảnh nước này đáp trả bằng các vụ không kích nhằm vào Gaza. Ông Tuerk nhấn mạnh cần ngừng ngay các hành động bạo lực, yêu cầu tất cả các bên và các quốc gia quan trọng trong khu vực giúp giảm căng thẳng để tránh có thêm đổ máu.
Các quốc gia Arab đã kêu gọi ngừng bạo lực tại Gaza. Ngày 7/10, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tiến trình hòa bình hướng tới giải pháp hai nhà nước.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed Al-Budaiwi kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và bảo vệ những người dân thường vô tội.
Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và ngừng bắn ngay lập tức để tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Oman kêu gọi Hamas và các lực lượng Israel kiềm chế ở mức tối đa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường.
Bộ Ngoại giao Qatar cho rằng cộng đồng quốc tế cần ngăn chặn Israel sử dụng diễn biến mới này làm cớ phát động chiến dịch nhằm vào dân thường Palestine tại Gaza.
Từ Jordan, Bộ Ngoại giao nước này ra tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế, bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Jordan cũng kêu gọi tăng cường các nỗ lực nhằm đạt được một nền hòa bình dựa trên giải pháp hai nhà nước, phù hợp với các nghị quyết quốc tế.