Ca mắc COVID-19 tại Campuchia liên tục giảm trong 41 ngày
Mặc dù đã nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch để tiến tới mở cửa hoàn toàn đất nước, số ca mắc COVID-19 trong vòng 41 ngày trở lại đây tại Campuchia liên tục giảm và chỉ còn dưới 70 ca/ngày.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 10/11, các quốc gia trong khối ASEAN ghi nhận 21.582 ca mắc COVID-19 và 275 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch là trên 13,3 triệu ca, trong đó trên 282.700 người tử vong.
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh để phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX
Trong 24 giờ qua, tất cả các nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới và 7 quốc gia ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia và Việt Nam.
Trong bối cảnh Campuchia từng bước nối lại các hoạt động kinh tế theo hướng mở cửa hoàn toàn, số ca mắc COVID-19 trong vòng 41 ngày trở lại đây liên tục giảm và chỉ còn dưới 70 ca/ngày.
Thông cáo chính thức của Bộ Y tế Campuchia ngày 10/11 cho hay, nước này chỉ ghi nhận 65 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 7 ca nhập cảnh và 58 ca lây nhiễm cộng đồng. Trong ngày 10/11, Campuchia ghi nhận thêm 5 ca tử vong, trong đó có 4 ca chưa tiêm phòng COVID-19.
Campuchia đã có nhiều động thái mới kể từ khi quyết định mở cửa trở lại, trong đó có việc thực hiện thí điểm “cơ chế hộp cát”. Theo đó, nước này miễn cách ly đối với du khách đã tiêm phòng đầy đủ khi tới Sihanoukville, đảo Koh Rong và Khu nghỉ dưỡng Dara Sakor từ cuối tháng 11/2021; giảm thời gian cách ly cho khách nhập cảnh; dỡ bỏ lệnh cấm bay từ Malaysia, Indonesia, Philippines, đồng thời áp dụng hệ thống quét mã QR mới để kiểm tra thông tin trên thẻ tiêm phòng.
Tính từ ngày 10/2/2021, khi Campuchia bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên quy mô lớn đến ngày 9/11, gần 14 triệu người (chiếm 87,5%) trên tổng số khoảng 16 triệu dân nước này đã được tiêm ít nhất một mũi.
Với những kết quả khả quan đạt được, báo Khmer Times ngày 10/11 cho rằng có nhiều khả năng Chính phủ Campuchia sẽ lên kế hoạch tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 3-4 tuổi để có thể mở cửa trở lại các trường mẫu giáo trên toàn quốc, sau khi trẻ 5 tuổi tại nước này bắt đầu được tiêm phòng từ ngày 1/11 vừa qua.
Tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 10/11 cho biết đã ghi nhận 1.140 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 1.134 ca cộng đồng và 2 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.
Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất từ trước tới nay, với 671 trường hợp, tăng 159 ca so với ngày 9/11; khiến số bản được quy định là vùng đỏ cũng tăng cao với 304 bản tại 9 quận. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Lào tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết, 2 trường hợp tử vong mới do COVID-19 tại nước này đều có bệnh lý nền và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 50.031 ca, trong đó có 91 người tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị; đồng thời khẩn trương triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Trong diễn biến liên quan khác, cơ quan chức năng Lào và Thái Lan vừa lập ủy ban liên hợp để nghiên cứu xây dựng cơ chế mở lại cửa khẩu biên giới trên bộ, sau thời gian dài phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo đó, trước mắt hai bên sẽ cho phép thực hiện các chuyến du lịch qua lại trong ngày giữa Nongkhai, Udon Thani với Viêng Chăn thông qua cửa khẩu quốc tế Hữu nghị số 1 nhằm kích thích trở lại hoạt động thương mại xuyên biên giới giữa hai bên.
Trong khi đó, ngày 10/11, Thái Lan thông báo sẽ dành khoảng 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 để đón các lao động nước ngoài trở lại nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm lao động.
Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch cho phép người lao động từ các nước láng giềng như Myanmar, Campuchia và Lào trở lại quốc gia này từ tháng 12 tới. Hiện một số ngành xuất khẩu chủ yếu của Thái Lan như ngành chế biến thực phẩm và sản xuất cao su đang thiếu lao động.
Theo Bộ trưởng Lao động Thái Lan Suchart Chomklin, người lao động khi trở lại quốc gia Đông Nam Á này sẽ được yêu cầu cách ly 2 tuần và được tiêm vaccine trong thời gian này. Người lao động cũng sẽ được xét nghiệm COVID-19 khi đến Thái Lan. Bộ trưởng Suchart Chomklin xác nhận Thái Lan đã chuẩn bị sẵn từ 400.000-500.000 liều vaccine để tiêm cho các lao động nhập cư. Bộ trên ước tính trước mắt nước này sẽ cần khoảng 420.000 lao động nhập cư.
Chính phủ Thái Lan cũng hy vọng việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát sẽ giúp ngăn chặn hoạt động đưa người lao động nhập cảnh trái phép nước này. Giới chức Thái Lan đã bắt giữ khoảng 11.000 người liên quan các vụ nhập cảnh trái phép trong tháng 10, tăng mạnh so với con số 1.456 người được ghi nhận cùng kỳ năm 2020.