Ca mắc COVID-19 trên thế giới tăng theo cấp số nhân
Ngày 28/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các quốc gia trên toàn cầu đã báo cáo hơn 2 triệu trường hợp nhiễm mới COVID-19 được xác nhận trong tuần qua - thời gian ngắn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Cơ quan y tế của LHQ lưu ý rằng số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 và phải chăm sóc đặc biệt đã tăng lên ở 21 quốc gia trên khắp châu Âu. Ước tính có khoảng 18% số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, trong đó, khoảng 7% số bệnh nhân cần hỗ trợ chăm sóc đặc biệt hoặc dùng máy thở.
WHO nêu rõ trong tuần thứ hai liên tiếp, châu Âu có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất, với hơn 1,3 triệu ca được xác nhận, chiếm khoảng 46% tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Số ca tử vong cũng đang gia tăng ở châu Âu, với mức tăng khoảng 35% so với tuần trước.
Pháp, Đức tái phong tỏa
Theo trang worldometers.info, tính đến 10h30 sáng 29/10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 44,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Hơn 32,7 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 10,8 triệu bệnh nhân đang được điều trị.
Ngày 28/10, Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ 30/10 đến 1/12. Mục tiêu của Chính phủ Pháp là giảm số ca mắc COVID-19 trung bình từ 40.000 người/ngày hiện nay xuống còn 5.000 người.
Tất cả người dân được yêu cầu ở nhà, trừ trường hợp ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Người dân cũng được phép ra ngoài tập thể dục nhưng tối đa 1 tiếng mỗi ngày và phải giữ khoảng cách với người khác.
Các trường học vẫn sẽ mở, nhân viên vẫn đến chỗ làm nếu chủ doanh nghiệp tuyên bố các công việc này không thể làm từ xa. Cảnh sát sẽ chặn hỏi ngẫu nhiên bất kỳ ai đi trên đường và kiểm tra giấy được phép ra ngoài.
Các đánh giá sẽ được thực hiện hai tuần một lần, để đưa ra quyết định tăng cường hay nới lỏng các quy định giãn cách xã hội.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức ngày 28/10 một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế dịch bệnh lây lan. Đức đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn của dịch bệnh COVID-19 khi nước này ghi nhận sự gia tăng "đột biến" các ca nhiễm mới tính theo từng ngày.
Các biện pháp mới bao gồm quy định chỉ cho phép gặp gỡ ở nơi công cộng tối đa 10 người từ một hoặc 2 hộ gia đình; các nhà hàng phục vụ ăn, uống, các quán bar, quán rượu, câu lạc bộ và các khu trung tâm vui chơi giải trí, thể thao trong nhà và ngoài trời sẽ tạm thời đóng cửa. Hoạt động của các trường học và nhà trẻ được duy trì; các cửa hàng bán buôn và bán lẻ vẫn tiếp tục mở cửa, song phải bảo đảm các quy định về vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách cũng như bảo đảm có không quá một khách hàng/10 m2... Các quy định này được áp dụng đồng bộ ở khắp 16 bang cả nước, có hiệu lực trước mắt từ ngày 2/11 tới và được áp dụng đến hết tháng 11.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cùng ngày cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận gần 15.000 ca nhiễm mới/ngày, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát hồi tháng 3 vừa qua. Các số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy hiện Đức chỉ còn trống khoảng 25% số giường bệnh chăm sóc đặc biệt.
Theo số liệu của Bộ Y tế Italy công bố, số ca nhiễm mới tại nước này trong ngày 28/10 tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới với 24.991 ca nhiễm được ghi nhận (số ca nhiễm mới cao nhất trước đó được ghi nhận ngày 27/10 với 21.994 ca). Cũng trong ngày 28/10, tại Italy có 205 người tử vong, 125 ca phải chăm sóc đặc biệt, nâng tổng số ca phải chăm sóc đặc biệt lên 1.536 ca. Vùng tâm dịch trước đây, Lombardia (thủ phủ là thành phố Milan) cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong ngày 28/10 là 7.558 ca.
Theo ông Walter Ricciardi, cố vấn của Bộ trưởng Y tế Italy, việc phong tỏa 2 thành phố Milan và Napoli là điều cần thiết, “việc lây nhiễm rất dễ xảy ra khi tiếp xúc gần giữa người dân vì virus lưu hành rất nhiều, thậm chí người dân có thể bị lây nhiễm khi vào quán bar, nhà hàng hoặc đi xe buýt”. Ông Ricciardi cũng cho rằng, tại 2 thành phố Milan và Napoli, việc đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim là điều cần thiết, bởi nguy cơ lây nhiễm tại hai thành phố này rất cao và bất kỳ ai cũng có nguy cơ mang virus vào trong các không gian khép kín, làm tăng khả năng lây nhiễm.
Tại Nga, Phó Thủ tướng Tatiana Golikova cho biết tình hình dịch bệnh tại 16 vùng ở nước này hiện đang rất nghiêm trọng, với các giường bệnh hoạt động gần hết công suất.
Trong khi đó, thủ đô Moscow của Nga quyết định gia hạn quy định làm việc tại nhà đối với các doanh nghiệp đến ngày 29/11 tới. Thị trưởng Sergei Sobyanin cho biết các trường trung học cũng tiếp tục triển khai hình thức học trực tuyến đến ngày 8/11. Theo ông Sobyanin, hiện chưa cần thiết đưa ra những hạn chế mới nhưng còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp phòng dịch hiện đang áp đặt vì điều này có thể khiến tình hình xấu đi.
Nga cho biết sẽ cử lực lượng quân y đến hỗ trợ một khu vực ở Urals, nơi đang có số ca nhiễm mới tăng mạnh, sau khi giới chức y tế tại đây đề nghị Tổng thống Vladimir Putin có biện pháp hỗ trợ.
Ngày 28/10, Hungary ghi nhận số người mắc COVID-19 phải nằm viện lần đầu tiên tăng lên hơn 3.000 người trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức một trận đấu trong khuôn khổ UEFA Champions League với hàng nghìn khán giả vào tối cùng ngày.
Hiện tổng số ca nhiễm tại nước này là 65.933 ca, trong đó 3.166 ca phải nhập viện. Trong số những ca phải nằm viện có 263 ca phải thở máy.
Chính phủ Hungary đã hạn chế áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với các hoạt động tập trung đông người, trong khi các trường học và cửa hàng được mở cửa bình thường. Các trận bóng đá cũng được tổ chức trên cả nước và khán giả được vào sân theo dõi nhưng phải hạn chế lượng người ở mức 30% sức chứa sân. Người xem bắt buộc phải thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Chính phủ Hungary cũng đã tăng tiền phạt đối với những người vi phạm quy định phòng dịch như không đeo khẩu trang, trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, Thủ tướng Viktor Orban đang tìm cách tránh kịch bản phải tái áp đặt lệnh phong tỏa, biện pháp vốn đã khiến nền kinh tế này suy giảm 13,6% trong quý II.
Thụy Điển thông báo có 1.980 ca nhiễm mới trong ngày 27/10, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Thụy Điển cũng ghi nhận thêm 9 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 5.927 ca. Tỷ lệ tử vong tại Thụy Điển hiện cao gấp vài lần ở các quốc gia láng giềng Bắc Âu nhưng lại thấp hơn một số nước lớn hơn ở châu Âu như Tây Ban Nha và Anh.
Chính phủ Czech cũng đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h đến 4h59, bắt đầu từ ngày 28/10. Trong thời gian này, nếu không có việc cần thiết, người dân sẽ không được phép ra khỏi nhà. Các cửa hàng bán lẻ, trừ trạm xăng và hiệu thuốc, sẽ không được phép bán hàng trong cả ngày Chủ Nhật và trong khung giờ từ 20h đến 5h vào các ngày khác. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực cho đến khi tình trạng khẩn cấp hết hạn vào ngày 3/11 tới. Tuy nhiên, chính phủ có thể sẽ gia hạn biện pháp này.
Czech là một trong số những nước có tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhanh nhất ở châu Âu. Tính đến nay, nước này ghi nhận 297.013 ca mắc COVID-19.
An Bình (tổng hợp)