Cá mập bị lóc thịt, bày bán khắp chợ ở Tunisia
Ở Tunisia, thịt cá mập được bày bán công khai trong chợ bất chấp đây là loài được bảo vệ. Kinh tế suy thoái khiến các nỗ lực bảo vệ chúng càng khó khăn hơn.
Nhiệt độ đang hạ xuống dần tại chợ cá ở Monastir, Tunisia. Tuy nhiên, mùi nồng nặc của ruột cá bị phơi cả ngày dưới trời nóng vẫn còn nguyên trong không khí. Những chủ quầy hàng đã về. Dưới sàn, giữa đống thịt vụn là đầu một con cá mập bị cắt rời.
Gần đó, trong một cái thùng, xác của hai con cá giống dài (guitarfish) bị lóc sạch thịt tới sụn.
Số loài cá mập ở Tunisia rất đa dạng. Đất nước này có mọi loại cá mập, từ cá mập trắng - có thể nặng đến 680 kg như con cá bị bắt ngoài khơi Zarzis gần biên giới với Libya 2 năm trước - đến loài cá nhám gai ăn động vật giáp xác dưới đáy biển. Tất cả đều có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng hệ sinh thái biển của Tunisia.
Tuy nhiên, theo Guardian, Tunisia là đất nước đánh bắt cá mập nhiều thứ hai ở Địa Trung Hải, chỉ sau Libya.
Vùng biển quý giá nhất thế giới
“Có 63 loại cá mập và cá đuối khác nhau ở vùng biển Tunisia”, Jamel Jrijer, nhà quản lý chương trình biển của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), cho biết. “24 trong số đó có nguy cơ tuyệt chủng. Là động vật săn mồi bậc cao, cá mập có vai trò quan trọng trong việc giảm số lượng các loài khác. Nếu không có cá mập, số lượng các loài cá khác có thể bùng nổ và toàn bộ sự cân bằng của hệ sinh thái biển có thể bị phá hủy”.
Ông Jrijer cũng cho biết loài cá giống dài chỉ có thể được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi Tunisia và Địa Trung Hải. Tương tự, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy những con cá mập trắng lớn chưa trưởng thành ở Địa Trung Hải. Điều này chỉ ra đây có thể là nơi sinh sản của chúng và có khả năng khu vực này là một trong những vùng nước quý giá nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, một trong những loài cá quan trọng nhất ở biển đang bị đe dọa vì việc thực thi pháp luật lỏng lẻo, sự thiếu ý thức của các ngư dân Tunisia cùng sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các tàu đánh cá.
Nhiều loài cá mập của Tunisia, bao gồm cả cá mập trắng lớn, là loài được bảo vệ và bị cấm đánh bắt. Mọi hành động đánh bắt chúng phải được báo cáo cho lực lượng bảo vệ nguồn cá - những quan chức chính phủ giám sát cảng của Tunisia. Tuy nhiên, cả ngư dân lẫn các quan chức này đều không được đào tạo để nhận biết các loài cá - giữa chúng đôi khi chỉ có một số ít điểm khác nhau.
“Cá mập thường mắc vào lưới và chết đuối, vì vậy khi được đưa lên tàu, chúng đã chết”, ông Jrijer nói. “Hoặc có những ngư dân cố tình nhắm vào cá mập. Dù bằng cách nào đi nữa, một khi được kéo lên tàu, họ sẽ moi ruột và cắt cá ra. Điều này khiến gần như không thể xác định được đó là loài cá nào”.
Việc này làm tăng thêm thách thức trong việc phác họa một bức tranh đầy đủ về thực trạng đánh bắt cá quý hiếm và tìm ra nơi cần tập trung nguồn lực.
Được bày bán công khai
Bất chấp vụ tấn công gần đây nhất được ghi nhận là vào những năm 1920, cả người đánh cá và công chúng đều coi cá mập là loài ăn thịt người. Hình ảnh những con cá mập 6 mang tập trung ở cảng Kelibia, đông bắc Tunisia vào mùa hè năm 2019 đủ để khiến du khách và người dân địa phương hoảng sợ, mặc dù chúng vô hại.
“Vào mùa xuân, chúng tôi đi đánh cá hầu như mỗi ngày”, ông Sassi Alaya ở cảng Gabès, phía nam Tunisia cho biết. “Chúng tôi từng đánh bắt cá mập trong quá khứ và giờ chúng tôi vẫn làm vậy. Chúng tôi gọi chúng là 'chó biển'. Có ba loại: cá mập xanh, cá mập trắng và cá mập nâu. Chúng có thể nặng từ 1 kg đến 30 kg. Tuy nhiên, những con cá chúng tôi bắt được thường nặng từ 5 kg đến 10 kg”.
“Chúng tôi bán cá mập cho các thương lái ở chợ. Chúng tôi làm sạch cá, ném ruột xuống biển và bán chúng. Tất cả ngư dân đều làm như vậy”.
Ở phía bắc Tunisia, giá thịt cá mập được cho là đã tăng từ mức 3-4 dinar (khoảng 1-1,5 USD)/kg lên 12-13 dinar (4,3-4,7 USD)/kg khi chúng ngày càng trở nên phổ biến. Ở một số nơi, chẳng hạn như chợ ở Monastir, thịt cá mập thường được người bán nói là cá kiếm.
WWF tin rằng hiện có khoảng 35 ngư dân ở Tunisia chuyên đánh bắt cá mập. “Tôi chỉ bắt đầu đánh bắt cá mập cách đây 7 năm”, ông Alaya nói. “Trước đó, tôi không có loại lưới phù hợp. Có một loại lưới đặc biệt để bắt cá mập. Chúng tôi gọi nó là 'gattatiya'”.
“Đánh bắt cá mập không phải là hành vi phạm pháp. Nếu đúng như vậy, chúng tôi sẽ không thể bán cá một cách công khai. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh báo hoặc bất kỳ lệnh cấm nào với việc đánh bắt cá mập”, ngư dân này nói thêm.
Nền kinh tế của Tunisia đang bị đại dịch Covid-19 tàn phá và được dự đoán là sẽ trải qua đợt suy thoái mạnh nhất kể từ khi nước này giành được độc lập vào năm 1956. Vì vậy, vẫn chưa rõ việc bảo vệ các loài sinh vật biển bản địa có nằm trong danh sách ưu tiên của chính phủ Tunisia hay không. Bộ Nông nghiệp Tunisia, cơ quan chịu trách nhiệm về đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản, không phản hồi email, điện thoại và fax của Guardian.
Nỗ lực của ngư dân
Song, tình hình có thể không hoàn toàn vô vọng.
Ở Tabarka, vùng cực bắc của Tunisia, ngư dân Imed Triki ra khơi trên chiếc thuyền nhỏ của mình mỗi ngày để đánh bắt những gì ông có thể. Cuộc sống Triki rất khó khăn và số tiền kiếm được từ việc bán thịt cá mập cho thương lái ở chợ đủ để giúp ông duy trì lưới và thuyền đánh cá.
Không ai đến Tabarka và nói cho các ngư dân biết về tầm quan trọng của cá mập, Triki cho biết. “Chúng tôi biết về chuyện này thông qua Facebook và các hiệp hội”, ông nói với Guardian. “Tất nhiên, không phải tất cả chúng tôi đều nhận thức được vấn đề này. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để nâng cao nhận thức mọi người. Đúng là nhiều ngư dân không mấy mặn mà với việc bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng vì họ cần kiếm kế sinh nhai và nuôi sống gia đình”.
“Tuy nhiên, khi được các ngư dân khác hỗ trợ, họ trở nên hợp tác với nhau. Chúng tôi đang cố gắng giảm việc đánh bắt tất cả loài có nguy cơ tuyệt chủng. Rùa biển, cá mập, bất cứ sinh vật nào có nguy cơ tuyệt chủng", ông Triki chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-map-bi-loc-xuong-bay-ban-khap-cho-o-tunisia-post1137123.html