Cà Mau: Cải cách hành chính là 1 trong 3 đột phá chiến lược
Cà Mau đưa ra ba khâu đột phá chiến lược, trong đó nội dung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Sáng nay 27-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, đã chính thức khai mạc. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ công an thay mặt Bộ Chính trị đến dự và chỉ đạo.
Trong ngày làm việc chính thức đầu tiên, Đại hội nghe Báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội. Báo cáo công tác chuẩn bị nhân sự và phương án xây dựng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, biểu quyết số lượng và đề cử danh sách nhân sự bầu Ban Chấp hành... Cuối giờ chiều danh sách Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020- 2025 sẽ được công bố, đồng thời Đại hội sẽ lấy phiếu giới thiệu chức danh Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI.
Báo cáo chính trị trước Đại hội, ông Lê Quân, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu trong nhiệm kỳ tới, tỉnh Cà Mau xác định 3 khâu đột phá chiến lược. Đó là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và phát triển mạnh về giao thông, then chốt là huy động các nguồn lực đầu tư.
Nhiệm kỳ qua, tổng sản phẩm GRDP của Cà Mau tăng bình quân 7%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/người, tăng gần 1,3 lần so năm 2015...
Ngành kinh tế lợi thế là nuôi tôm, Cà Mau tiếp tục khẳng định vị trí là tỉnh đi đầu cả nước, với sản lượng 2,7 triệu tấn. Khai thác thủy sản hằng năm khoảng 200 ngàn tấn, đóng góp 55% GRDP.
Nền công nghiệp tỉnh Cà Mau tiếp tục tăng trưởng mạnh, bình quân gần 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1tỉ USD/năm...
Báo cáo Chính trị Đảng bộ tỉnh Cà Mau cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế nhiệm kỳ vừa qua. Đó là còn 7/20 chỉ tiêu nhiệm vụ chưa đạt, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế một số lĩnh vực còn chậm. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp hiệu quả chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp còn thấp. Chất lượng giáo dục đào tạo chưa đồng đều. Kỹ cương hành chính một số cơ quan đơn vị chưa nghiêm, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế...