Cà Mau cần phát huy tiềm năng lớn về văn hóa

Tiếp tục chương trình làm việc tại Cà Mau, sáng 6/12, đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch hội đồng làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với Tỉnh ủy Cà Mau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh (đứng) phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Cà Mau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh (đứng) phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Cà Mau.

Đây là ngày làm việc thứ 2 của đoàn công tác tại Cà Mau nhằm nắm bắt tình hình thực tế về kết quả thực hiện Nghị quyết khóa XIII của Đảng ở lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người. Từ đó, có những tổng hợp, báo cáo để chuẩn bị cho quá trình xây dựng văn kiện khóa mới của Đảng; đồng thời chuẩn bị cho việc tổng kết thành tựu 40 năm đổi mới đất nước.

Buổi làm việc của Hội đồng Lý luận Trung ương với Tỉnh ủy Cà Mau vào sáng 6/12.

Buổi làm việc của Hội đồng Lý luận Trung ương với Tỉnh ủy Cà Mau vào sáng 6/12.

Buổi làm việc dành thời gian để trao đổi thông tin giữa đoàn công tác với các sở, ngành, địa phương, chuyên gia của tỉnh Cà Mau liên quan đến văn hóa, xã hội và con người.

Qua thực tiễn tại địa phương đã nổi lên một số vấn đề, như: Làm sao định lượng, sát hợp với thực tiễn các quy định, tiêu chí, mục tiêu về văn hóa; cơ chế, nguồn lực về đầu tư văn hóa; huy động sức dân trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy công năng của thiết chế văn hóa, di sản văn hóa; việc định hình, xây dựng chuẩn mực, đặc trưng tính cách của con người, bản sắc văn hóa Cà Mau...

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau Hồ Trung Việt báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết khóa XIII của Đảng và Nghị quyết khóa 16 của Đảng bộ tỉnh, trong đó có những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và con người.

Từ các Nghị quyết của Đảng, tỉnh Cà Mau đã chuyển hóa thành sự thay đổi trong nhận thức, hành động và thể hiện qua kết quả thực tiễn. Trong đó, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Cà Mau luôn được chú trọng nâng cao; nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội được quan tâm thực hiện thường xuyên.

Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được cải thiện; quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” được quán triệt và nhận thức đầy đủ hơn; người dân thực sự trở thành chủ thể văn hóa, tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh…

Theo đồng chí Hồ Trung Việt, Cà Mau là vùng đất có bản sắc văn hóa đặc trưng riêng, là vùng đất mới nhưng là nơi “địa linh, nhân kiệt”. Chỉ riêng ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, báo chí, tỉnh Cà Mau có nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo mang tầm vóc lớn. Hàng năm, tỉnh duy trì được giải báo chí truyền thống mang tên Anh hùng – Nhà báo Trần Ngọc Hy; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phan Ngọc Hiển được tổ chức 5 năm 1 lần...

Chia sẻ tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Cà Mau có tiềm năng rất lớn về văn hóa, nhưng chưa khai thác hết giá trị, nhất là bước đầu tiên về mặt quảng bá, giới thiệu thông tin để vượt khỏi phạm vi địa phương. Nhiều người chỉ biết Cà Mau vì có Đất Mũi, còn lại là mờ nhạt về thông tin. Do vậy, cần phải có cách tiếp cận mới, cách thức mới để giới thiệu về bản sắc văn hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh chia sẻ: “Văn hóa, xã hội, con người Cà Mau là tài nguyên quý giá, phong phú và hoàn toàn đủ khả năng trở thành nguồn lực đóng góp trực tiếp, đắc lực vào sự phát triển của địa phương.

Cà Mau cần nhìn đúng vào những tồn tại, kịp thời tháo gỡ các vấn đề để xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội, con người theo hướng hội nhập nhưng bền vững, giàu bản sắc, hình thành những chuẩn mực và hệ giá trị tốt đẹp, từ đó mang lại sự thụ hưởng thực sự, thực chất và toàn diện cho đời sống nhân dân" – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh gợi mở.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ca-mau-can-phat-huy-tiem-nang-lon-ve-van-hoa-post786145.html