Cà Mau đặt nhiều quyết tâm trong cuộc 'cách mạng số'
Ngày 9.10, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp mặt ngày doanh nhân Việt Nam và hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023.
Theo đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức về tình hình kinh tế - xã hội, song trong 9 tháng đầu năm 2023 tình hình phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, thu hút đầu tư và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Cà Mau đạt được một số kết quả tích cực.
Tổng số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là 2.900 lượt hồ sơ, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế đến cuối tháng 9.2023, tỉnh hiện có 4.905 doanh nghiệp (đã trừ số doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), với tổng số vốn đăng ký là 61.363 tỉ đồng; có 25 hợp tác xã thành lập mới, tăng 1 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh hiện có 281 hợp tác xã với 4.288 thành viên; 1 Liên hiệp Hợp tác xã (có 6 hợp tác xã thành viên); thu hút 9 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký trên 456 tỉ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 446 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 144.612 tỉ đồng (có 9 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 153 triệu USD).
Việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn đạt được một số kết quả nhất định, nhất là đối với hoạt động kinh tế số. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8%, vượt so với mục tiêu đề ra trong năm 2023 là 8%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%.
Số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước phát triển, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch; triển khai Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, đưa tỉnh Cà Mau đạt 85,54/100 điểm trên bảng chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, vươn lên đứng đầu cả nước trong nhiều tháng liên tục.
Nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đề về chuyển đổi số trong du lịch, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên môi trường mạng, với hơn 200 đại biểu tham dự là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các hợp tác xã. Qua buổi tọa đàm các chuyên gia, doanh nhân, doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới, hiệu quả trong hoạt động. Trong ngày, tỉnh đã tổ chức khai mạc các gian hàng trưng bày các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ số để người dân, doanh nghiệp trải nghiệm, ứng dụng vào hoạt động của các đơn vị.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, Cà Mau vẫn còn một số mặt khó khăn, hạn chế cần phải xử lý, khắc phục như: kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 910 triệu USD, bằng 70% kế hoạch, giảm 15,5% so cùng kỳ; nhập khẩu đạt 81 triệu USD, giảm 61,59% so với cùng kỳ (2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là thủy sản và phân bón xuất khẩu giảm mạnh); thu hút đầu tư chưa đạt kết quả như mong muốn; phát triển doanh nghiệp giảm. Tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động nuôi trồng, sản xuất hiện nay khó kiểm soát về xả thải và xử lý vi phạm; thời tiết diễn biến thất thường, ảnh hưởng của các cơn bão gây ra thời tiết xấu làm nhiều hộ dân bị sập nhà, tốc mái, thiệt hại tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân.
“Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu nên phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay; khó tìm kiếm nguồn lao động phù hợp; chất lượng, tay nghề của lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Biến động giá cả thị trường, giá xăng dầu không ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của người dân và doanh nghiệp, vận tải hàng hóa...”, ông Việt nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, công tác chuyển đổi số của địa phương còn chậm, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh năm 2022 đạt thấp; nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
“Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực, vươn lên vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất - kinh doanh góp phần ổn định cho kinh tế của tỉnh. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản trị, sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp còn chung tay, chung sức với chính quyền địa phương thực hiện an sinh xã hội, đóng góp không nhỏ về nhân lực và vật lực hỗ trợ cho bà con trong tỉnh do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai sạt lở đê kè…”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, từng bước xây dựng Cà Mau thành một tỉnh có nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo khắc phục những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, luôn lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Năm 2023 được xem là năm dữ liệu số - khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới. Vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau rất mong quý doanh nghiệp và mọi người dân quan tâm, cùng với chính quyền tỉnh đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số. Trọng tâm là “số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp”, ông Việt mong muốn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau hy vọng, tin tưởng các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tích cực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững. Đồng thời, tích cực tham gia đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến hay cho tỉnh, luôn đồng hành cùng tỉnh nhà sớm vượt qua khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.