Cà Mau đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Bài cuối: Gỡ khó bằng nhiều giải pháp phù hợp
Dạy nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Cà Mau thời gian qua đã có nhiều đổi mới, bám sát nhu cầu của thị trường cũng như khả năng, nguyện vọng của người lao động, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương cũng còn những hạn chế cần được tháo gỡ.
Hạn chế trong dạy nghề
Đề cập về những khó khăn trong dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, các giải pháp mà tỉnh đang và sẽ thực hiện để tháo gỡ, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Một trong những bất cập, khó khăn mang tính đặc thù của Cà Mau là người lao động ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh sống phân tán, hàng ngày vẫn đi làm các công việc không ổn định để trang trải cuộc sống.
Các trường hợp này nếu học nghề ngắn hạn thì sau khi học xong cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhưng nếu học nghề trong thời gian dài thì họ lại không theo được vì vẫn muốn đi làm để có thu nhập tạm thời. Do đó, việc tổ chức lớp cũng như lựa chọn nghề phù hợp để đào tạo cho những trường hợp này thực sự khó khăn, “đầu ra” cho lao động sau học nghề cũng không dễ.
Còn ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau chia sẻ, trên địa bàn tỉnh, các đối tượng tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ, nhận thức, điều kiện kinh tế của gia đình. Thêm nữa, một bộ phận lao động nông thôn, nhất là lao động trẻ lại chưa nhận thức được việc học nghề là một nhu cầu, yếu tố cần thiết để đảm bảo nâng cao thu nhập một cách dài lâu, chắc chắn, góp phần cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình của họ. Xuất phát từ suy nghĩ này, một số lao động chưa quan tâm đến học nghề, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Chưa kể, hiện các ngành nghề đào tạo ở các cơ sở dạy nghề ở địa phương chủ yếu vẫn là kỹ thuật nông nghiệp, năng lực đào tạo của một số cơ cở dạy nghề chưa bắt kịp yêu cầu thị trường lao động. Thực trạng này dẫn đến việc nhiều lao động dù đã được đào tạo đúng nghề doanh nghiệp cần nhưng vẫn không đáp ứng được tiêu chuẩn của doanh nghiệp tuyển dụng.
Hiện nay, ở nhiều cơ sở dạy nghề, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo rất lạc hậu, lỗi thời. Ví dụ thiết bị dạy nghề sửa chữa xe gắn máy, sửa chữa thiết bị điện lạnh ở một số đơn vị lạc hậu đến mức không đáp ứng được việc thực hành cho học viên sửa chữa xe máy tay ga hoặc sửa chữa, bảo hành các thiết bị điện lạnh siêu tiết kiệm điện - ông Từ Hoàng Ân nêu dẫn chứng.
Cũng theo ông Từ Hoàng Ân, công tác phối hợp đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Một số chủ doanh nghiệp thậm chí còn từ chối việc nhận học viên các lớp đào tạo nghề đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, dù các khu công nghiệp, doanh nghiệp đóng ở địa phương luôn có nhu cầu bổ sung lao động hàng năm, nhưng khi tuyển dụng lại yêu cầu lao động phải có trình độ tay nghề cao và có cả kinh nghiệm.
Yêu cầu này là khó đáp ứng đối với những lao động nông thôn vừa học xong các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, chưa có kinh nghiệm. Một số doanh nghiệp (cả trên địa bàn tỉnh cũng như ngoài tỉnh) lại chủ yếu tuyển lao động phổ thông, thu hút lao động đi làm ngay mà không cần qua đào tạo dẫn đến tình trạng nhiều lao động không “mặn mà” với việc đi học nghề một cách bài bản.
Đồng bộ các giải pháp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân khẳng định, nguồn lực lao động của Cà Mau dồi dào song trình độ học vấn, tay nghề của nhiều lao động, nhất là lao động nông thôn vẫn còn thấp. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động luôn được tỉnh coi trọng thực hiện.
Tỉnh tiếp tục thực hiện công tác khảo sát hằng năm để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát thực với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nhu cầu của từng địa phương, của doanh nghiệp và cả người lao động, đảm bảo gắn với việc làm sau đào tạo.
Đặc biệt, Cà Mau tiếp tục quan tâm thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động nông nghiệp, lao động người dân tộc thiểu số, người thuộc đối tượng chuyển đổi nghề, lao động các xã đặc biệt khó khăn…có điều kiện tham gia học nghề.
Bên cạnh đó tỉnh cũng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phát triển, mở rộng quy mô đào tạo của Trường Cao đẳng nghề Việt-Hàn nhằm đào tạo lao động nghề trình độ trung cấp và cao đẳng, đáp ứng ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Nhấn mạnh về các giải pháp cụ thể, ông Từ Hoàng Ân - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng sẽ chủ động xây dựng trang thông tin riêng nhằm tăng cường việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và người học, giúp việc thu thập thông tin về việc làm được chính xác, kịp thời hơn.
Qua đó, cơ sở đào tạo định hướng được nghề cần đào tạo, đồng thời truyền tải thông tin việc làm, tuyển dụng của các doanh nghiệp đến người học, nhất là đối với lao động ở những ngành, nghề trọng yếu như: du lịch thương mại, công nghệ thông tin…Tỉnh thực hiện việc đào tạo nghề gắn với các dự án liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, các mô hình khuyến nông tiên tiến, có hiệu quả cao.
Ngoài ra, Cà Mau thực hiện việc đánh giá lại các ngành, nghề tuyển sinh không đạt để có giải pháp tháo gỡ phù hợp hơn, thường xuyên khảo sát thị trường lao động phối hợp với doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động để nắm bắt nhu cầu về lao động việc làm.
Tỉnh có kế hoạch bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy để mở các các ngành, nghề mới nhằm thu hút người học và đáp ứng thị trường lao động.