Cà Mau đổi tên khóm, ấp: Hài hòa giữa quản lý và ý dân
Nhiều phường, xã sau sáp nhập trong tỉnh Cà Mau đang lấy ý kiến Nhân dân về đặt và đổi tên khóm, ấp, làm cơ sở trình HĐND cùng cấp thông qua. Việc làm này nhằm hóa giải một trong những thách thức lớn nhất sau ghép đơn vị hành chính cấp xã là nhiều khóm, ấp trong cùng một phường, xã trùng tên, gây bất tiện cho người dân và công tác quản lý.
Bài toán mang tên "số hóa"
Điển hình là phường Bạc Liêu, được sáp nhập từ 5 phường cũ (Phường 1, 2, 3, 7 và Phường 8 của TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Với tổng diện tích gần 30 km2 và 35 khóm, phường mới này đang đối mặt với tình trạng 31 khóm có tên gọi trùng lặp bằng số thứ tự. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong giao tiếp, xử lý hồ sơ hành chính và cấp phát giấy tờ cho người dân.

Phường Bạc Liêu có đến 31 trong số 35 khóm cần đổi tên (Ảnh: Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm hiện nằm trên địa bàn Khóm 3, phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau, địa chỉ cũ là Khóm 3, Phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
Theo UBND phường Bạc Liêu, việc đổi tên là cần thiết để đảm bảo mỗi khóm có tên riêng biệt, rõ ràng, giúp công tác quản lý hành chính hiệu quả hơn; tạo thuận lợi cho người dân trong giao tiếp và giao dịch; đồng thời, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống quản lý đô thị.
Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Việt Xô, Chủ tịch UBND phường Bạc Liêu, thông tin, địa phương đã xây dựng phương án đổi tên dựa trên các nguyên tắc cụ thể, tuân thủ Công văn 4168/BNV-CQĐP, ngày 23/6/2025 của Bộ Nội vụ và các hướng dẫn của Sở Nội vụ Cà Mau.
Theo đó, phường Bạc Liêu giữ nguyên tên 4 khóm có địa danh riêng biệt và quen thuộc từ lâu, bao gồm: Trà Kha, Trà Kha B, Trà Khứa và Cầu Sập. Còn lại 31 khóm sẽ được đổi tên để không trùng lặp, dễ phân biệt và đảm bảo tính liên tục về địa giới. Phương án ưu tiên sử dụng các con số theo trật tự khoa học nhưng có điều chỉnh để tránh nhầm lẫn với tên gọi cũ, đảm bảo tâm lý ổn định cho người dân.
Chính quyền cam kết tiến trình này sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các giao dịch hành chính của người dân.
Sáp nhập và đổi tên ở vùng nông thôn
Không chỉ tại các phường đô thị, việc sáp nhập cũng đặt ra thách thức tương tự ở các xã nông thôn. Xã Khánh Lâm được hình thành trên cơ sở hợp nhất xã Khánh Hội, một phần xã Nguyễn Phích và phần còn lại của xã Khánh Lâm, với diện tích trên 208km2.
Theo bà Trần Hồng Ửng, Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm, địa phương đang xây dựng phương án đặt, đổi tên một số ấp bị trùng tên để tạo sự thuận tiện cho công tác quản lý và sinh hoạt của người dân.
Còn tại xã Khánh An, từ ngày 11-15/7, UBND xã đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về đặt, đổi tên ấp. Xã Khánh An mới hình thành từ xã Khánh An, cộng với một phần của xã Nguyễn Phích, có 21 ấp. Tuy nhiên, chỉ có ấp An Phú là có tên chữ, còn lại đều là tên số thứ tự, gây ra sự nhầm lẫn.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: 3 ấp cũ của xã Nguyễn Phích (Ấp 7, 8 và 9) cần phải đổi tên. "Việc này là cần thiết vì có liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân", ông Liêm cho biết thêm. Theo phương án đã lấy ý kiến, đa số người dân đồng tình việc đổi tên ba ấp này thành Ấp 19, Ấp 20 và Ấp 21.

Ông Phạm Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An, chủ trì cuộc họp triển khai Quyết định thành lập các Tổ lấy ý kiến Nhân dân đối với việc đặt tên ấp, sáng 11/7/2025. Thời gian lấy ý kiến Nhân dân từ 11-15/7.
Sáng 11/7, xã Khánh An đã thành lập các tổ để lấy ý kiến của người dân về việc đặt tên ấp mới, với thời gian lấy ý kiến từ ngày 11-15/7. Đây là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo sự đồng thuận trước khi trình HĐND xã xem xét, quyết định vào cuối tuần này.
Quyền lợi và trách nhiệm của người dân
Theo Công văn 4168/BNV-CQĐP, việc đổi tên thôn, tổ dân phố do trùng tên cần được xây dựng phương án và lấy ý kiến từ cử tri.

Phường An Xuyên hình thành từ việc hợp nhất 4 phường: 1, 2, 9, Tân Xuyên và xã An Xuyên.
Theo ông Lê Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau, nếu trên 50% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý, phương án sẽ được hoàn thiện và trình HĐND cấp xã quyết định. Điều này cho thấy vai trò của người dân trong việc cùng chính quyền xây dựng và phát triển địa phương.
Việc đổi tên khóm, ấp không chỉ là một thay đổi hành chính, mà còn là một bước chuyển đổi lâu dài, góp phần xây dựng một hệ thống quản lý hiện đại, khoa học và thuận tiện hơn cho tất cả mọi người. Sự đồng tình và phối hợp từ người dân chính là yếu tố then chốt để tiến trình này thành công, xây dựng một Cà Mau ngày càng văn minh và phát triển.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/ca-mau-doi-ten-khom-ap-hai-hoa-giua-quan-ly-va-y-dan-a120765.html