Cà Mau: Nhiều vị trí sạt lở nguy cơ đe dọa sản xuất, gây hư hỏng đường giao thông

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay có nhiều vị trí sạt lở đáng báo động, cần sớm có giải pháp đầu tư xây dựng kè bảo vệ, chống sạt lở.

Ngày 11/7, theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh đáng báo động.

Dự án kè chống sạt lở khu vực từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen (hai bờ kênh 30/4) đang được chờ đầu tư xây dựng.

Dự án kè chống sạt lở khu vực từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen (hai bờ kênh 30/4) đang được chờ đầu tư xây dựng.

Tại khu vực tỉnh Cà Mau (cũ), nhiều điểm sạt lở nguy hiểm đã được ghi nhận. Tại khóm Sa Phô (xã Đất Mới), khoảng 700m ven sông Cửa Lớn đang đối mặt nguy cơ sạt lở cao. Tại cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang), 200m đã bị sạt lở, làm hư hỏng đường giao thông và đe dọa hoạt động nuôi trồng thủy sản. Tổng chiều dài khu vực nguy hiểm lên đến 750m.

Đoạn từ cửa biển ấp Hạp đến cửa biển Giá Cao (xã Tân Thuận) có 5km bờ biển đang sạt lở nghiêm trọng, nhiều nơi lấn sâu vào rừng phòng hộ từ 30–40m. Tại khu vực bờ kè và sân miếu Bà Thủy Long, sạt lở đã ăn sâu 60m, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến di tích.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu (cũ), nguy cơ sạt lở cũng đang hiện hữu tại đoạn bờ kênh phía tây hạ lưu cống Nhà Mát (phường Nhà Mát) và bờ kênh phía đông hạ lưu cống Cây Gừa (xã Phong Thạnh).

Đặc biệt, đoạn bờ sông Gành Hào giáp kênh xáng Tắc Vân (xã Định Thành) có 650m bờ sông đang sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 68 hộ dân với 244 nhân khẩu, trong đó có 10 hộ kinh doanh. Ngoài ra, đoạn lộ Vịnh Gió Ngược (xã Định Thành) đã bị sụt lún 30m.

Nhiều dự án kè chống sạt lở tại khu vực Bạc Liêu cũ vẫn đang chờ được đầu tư, gồm: kè G6 (xã Long Điền Tây cũ); kè bờ sông Cà Mau – Bạc Liêu (đoạn từ bến xe Hộ Phòng đến nhà thờ Tắc Sậy); kè hai bên bờ kênh 30/4 (đoạn từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen); và dự án chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông và Nhà Mát (cũ).

Gia Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ca-mau-nhieu-vi-tri-sat-lo-nguy-co-de-doa-san-xuat-gay-hu-hong-duong-giao-thong-1922507111941039.htm