Cà Mau: Nỗ lực hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
Ngày 6/12, hưởng ứng Phong trào thi đua 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025' do Thủ tướng Chính phủ phát động và lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với thông điệp 'Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc'; tỉnh Cà Mau quyết tâm đến tháng 8/2025, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
Thực hiện chủ trương trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau có Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 17-10-2024 về đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến tháng 8/2025, hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở đối với các đối tượng đủ điều kiện về đất ở: Nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo đề án, tổng số lượng xóa nhà tạm, nhà dột nát là 4.400 căn. Trong đó, xây mới 3.463 căn, sửa chữa 937 căn. Cụ thể, hộ người có công với cách mạng 1.157 căn (xây mới 578 căn và sửa chữa 579 căn); hộ nghèo 1.322 căn (xây mới 1.206 căn và sửa chữa 116 căn); hộ cận nghèo 1.566 căn (xây mới 1.324 căn và sửa chữa 242 căn); hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh 355 căn.
Mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/căn; sửa chữa là 30 triệu đồng/căn. Nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình để hộ gia đình tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở; chính quyền địa phương và các đoàn thể trực tiếp hỗ trợ, giám sát việc thực hiện.
Tổng kinh phí thực hiện 235.890 triệu đồng (gần 235,9 tỷ), bao gồm các nguồn lực: Ngân sách Nhà nước; quỹ Đền ơn đáp nghĩa; quỹ Vì người nghèo; xã hội hóa; vận động hợp pháp khác.
Đề án chia ra thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, thực hiện đến cuối năm 2024, hoàn thành 400 căn (xây mới 200 căn và sửa chữa 200 căn), với kinh phí thực hiện 18.000 triệu đồng (nguồn quỹ vì người nghèo).Giai đoạn 2 đến tháng 8/2025 xây mới, sửa chữa số còn lại là 4.000 căn với kinh phí thực hiện 217.890 triệu đồng (từ ngân sách Nhà nước, quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo, xã hội hóa, vận động hợp pháp khác).
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất trong nhận thức và hành động, quyết liệt triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị liên quan được yêu cầu phải chọn phương pháp, cách thức triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch đúng quy định theo phương châm hộ nào đủ điều kiện ưu tiên triển khai trước để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Là một trong những hộ dân nằm trong diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, ông Võ Văn Đại (xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Căn nhà gia đình tôi đã xuống cấp lắm rồi nhưng không có tiền cất lại. Khi vào mùa mưa thì ngủ không yên giấc, mỗi khi mưa thì nhà dột khắp nơi phải lấy xô, thau hứng. Còn khi giông gió thì sợ nhà sập. Vừa rồi, khi nghe chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ cất nhà mới thì gia đình mừng lắm. Mong rằng an cư lạc nghiệp, chúng tôi sẽ sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Còn ông Trần Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, khẳng định: "Chúng tôi xác định đây là một vấn đề lớn, một nhiệm vụ trọng tâm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, huyện sẽ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm; nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa hình thức hỗ trợ người nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát”.
Ông Trần Văn Hòa cũng thông tin, trong quá trình thực hiện huyện chỉ đạo phải làm chặt chẽ ở các bước, rà soát đúng đối tượng, tiêu chuẩn, mục đích, không trùng lặp các chương trình, các hoạt động hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước. Tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và trụ sở Nhà văn hóa ấp theo quy định, nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong lựa chọn, xét hỗ trợ nhà ở cho từng đối tượng.