Cà Mau phát hiện 7 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu
Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389) để nắm tình hình kiểm tra, cung ứng xăng đầu, giá vật liệu xây dựng tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 21 doanh nghiệp có hệ thống cung ứng xăng dầu và 367 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động. Từ đầu tháng 9.2022 cho đến nay, có 10 cửa hàng tạm ngưng hoạt động do thiếu hụt nguồn cung cấp xăng dầu (huyện Đầm Dơi 2 cửa hàng và huyện Ngọc Hiển 8 cửa hàng).
Đến thời điểm này, các cửa hàng đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ và đảm bảo xăng dầu cung ứng cho người dân và doanh nghiệp.
Vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đã tiến hành kiểm tra 89 vụ, phát hiện vi phạm 7 vụ, xử phạt vi phạm hành chính về niêm yết giá, không ghi rõ thời gian bán hàng, không treo biển hiệu của thương nhân phân phối, người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng xăng dầu không được đào tạo huấn luyện về PCCC và bảo vệ môi trường, không có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu…
Đối với tình hình cung ứng vật liệu xây dựng, theo báo cáo các địa phương, đến thời điểm hiện tại giá vật liệu xây dựng ổn định và nguồn hàng đảm bảo cung ứng cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng bán thiếu khối lượng, nhất là bán lẻ dẫn còn diễn ra.
Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định: “Căn cứ vào thông tin của các sở, ngành liên quan, có thể khẳng định, chậm nhất trong ngày 14.9, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh ổn định và giá sẽ bán theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, để đảm bảo cung ứng xăng dầu trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thành viên Ban chỉ đạo 389 phải rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp nắm thông tin và các vấn đề liên quan về cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tiến hành phân cấp giao trách nhiệm trong từng ngành, từng địa phương trong việc theo dõi biến động của xăng dầu. Thường xuyên liên hệ nắm thông tin doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu để kịp thời nắm được tình hình biến động. Chủ động nắm tình hình một số lĩnh vực dễ ảnh hưởng biến động xăng dầu như: khai thác thủy sản, vận tải hàng hóa, hành khách, thi công công trình xây dựng cơ bản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
“Ban chỉ đạo 389 xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm về kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng, đầu vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản. Cục Quản lý Thị trường kích hoạt lại các đội kiểm tra liên ngành cho hiệu quả. Sở Xây dựng nắm thông tin về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn trọng điểm để có điều chỉnh phù hợp”, ông Bi chỉ đạo.