Cà Mau siết chặt quản lý chó để phòng bệnh dại
Sáng 4-10, đại diện Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý chó nuôi, nhằm tăng cường phòng, chống bệnh dại ở động vật…
Theo tổng hợp từ Sở Y tế tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có chín ổ dịch nghi dại và dại trên chó. Trong đó, có bốn ổ xét nghiệm kết quả dương tính trên chó, năm ổ còn lại không lấy được mẫu xét nghiệm. Những địa phương có ổ dịch cho kết quả dương tính trên chó gồm: huyện Trần Văn Thời (hai ổ), huyện Cái Nước (một ổ) và TP Cà Mau (một ổ).
Tại các ổ dịch, cơ quan chức năng Cà Mau phát hiện có tổng số 35 trường hợp bị chó cắn. Những trường hợp bị chó cắn được tiêm vắc-xin và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại là 33 trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có hai trường hợp ở huyện U Minh và huyện Phú Tân là người dân bị chó cắn dẫn đến tử vong.
Trước tình hình phức tạp nêu trên, ngoài chỉ đạo tăng cường các giải pháp quyết liệt nhằm siết chặt việc quản lý vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để người dân quản lý chặt chẽ chó nuôi, không thả rông chó ra đường; tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó nuôi trên địa bàn, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng theo quy định; tuyên truyền, vận động người dân khi bị chó cắn phải đến cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Chó là một trong những thú nuôi thân thiết và phổ biến tại các vùng nông thôn và vùng nội thị của Cà Mau. Tuy nhiên, người dân ít khi rọ mõm, xích lại mà thả rông để thú nuôi đi lại tự do. Trong khi đó, phần lớn hộ nuôi không đăng ký, không khai báo với chính quyền, cũng như chưa tự giác đem thú nuôi tiêm phòng vắc-xin ngừa bệnh dại. Đây là nguy cơ tiềm ẩn, có thể phương hại cho người dân và chính những hộ nuôi chó.
Để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra khi thú nuôi phương hại con người, ngoài chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại nêu trên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau khuyến cáo, khi bị chó, mèo nghi mắc bệnh cắn, cào, liếm… gây ra vết thương, người dân phải đến ngay trung tâm y tế hoặc các điểm tiêm vắc-xin dại gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng kịp thời. Người dân tuyệt đối không tự chữa hoặc điều trị bằng thuốc nam, thuốc gia truyền... vì những loại thuốc này có thể sẽ không có hiệu quả mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng…