Cà Mau tập trung đào tạo nguồn cán bộ kế cận
Thời gian qua, công tác luân chuyển, điều động cán bộ tại tỉnh Cà Mau đã thực hiện đúng quy định, ngày càng bài bản, khoa học, gắn chặt với điều kiện thực tiễn của địa phương và đạt được những kết quả quan trọng với nhiều kinh nghiệm hữu ích được đúc rút.
Luân chuyển, điều động cán bộ là công việc, cơ chế tạo ra môi trường “phép thử” tốt nhất, thực chất nhất để “luyện vàng, giũa ngọc” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong những cuộc gặp gỡ với đội ngũ cán bộ được luân chuyển, điều động, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã trở đi, trở lại vấn đề: “Luân chuyển, điều động cán bộ là công việc hệ trọng để thử thách, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa. Tuy nhiên, phải dẹp bỏ ngay từ đầu chủ nghĩa cá nhân hám danh lợi, ham chức vụ. Không ngộ nhận rằng ai được điều động, luân chuyển đều sẽ đương nhiên giữ những vị trí cao hơn.
Đây cũng là “phép thử” về đức – tài và bản lĩnh, ý chí của cán bộ. Nếu không vượt qua được những cám dỗ, không hoàn thành trọng trách, sự kỳ vọng của Đảng, Nhân dân thì sớm muộn tự mình bị đào thải”. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cà Mau Huỳnh Thị Thanh Loan từng nhấn mạnh: “Cán bộ được luân chuyển, điều động là để phát triển, trưởng thành và ra sức cống hiến, phụng sự Đảng, Nhà nước, nhân dân. Công việc mới, môi trường mới nhất định sẽ có thử thách, khó khăn, đòi hỏi mỗi cán bộ phải nỗ lực, phải chủ động, bản lĩnh đương đầu và bắt tay ngay vào những công việc, hành động quyết liệt, thực chất để ích nước, lợi dân. Nếu gặp khó khăn mà ngán ngại, chùn lui ý chí hoặc mang tâm lý “cố thủ” vị trí; làm việc đại khái, qua loa thì tổ chức, người dân thấy hết, biết hết, sẽ tự mình thui chột, thụt lùi. Đó là câu chuyện không mới, nhưng luôn có giá trị sâu sắc, thời sự với từng cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động về mặt tư tưởng, nhận thức, hành động”. Là cán bộ luân chuyển, ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời (vị trí công tác trước đó là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau) cho biết: “Khi nhận được quyết định luân chuyển tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì tôi nhận thức được luân chuyển về công tác tại huyện là điều kiện, cơ hội, môi trường tốt để rèn luyện, học hỏi, am hiểu thực tiễn nhằm phát triển toàn diện hơn; lo là không biết mình có đảm đương, bao quát được nhiệm vụ được giao không?” Đó cũng là tâm tư chung của đội ngũ cán bộ được điều động, luân chuyển khi bước đầu tiếp cận với công việc mới, môi trường mới, thử thách mới. Thực tiễn mới mẻ đã giúp cho những cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động mỗi ngày thêm sáng mắt, sáng lòng, ý thức rõ về trọng trách và sự nỗ lực của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, tư tưởng, nhận thức đúng đắn, thông suốt, nhất quán của cán bộ được luân chuyển, điều động chính là vấn đề mấu chốt nhất, căn cội nhất.
Đảng ta coi công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng. Công việc này đã được các cấp ủy đảng tại Cà Mau thực hiện và gắn chặt giữa 2 mệnh đề: Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ - lựa chọn và sàng lọc cán bộ. Thực tiễn và lòng dân là thước đo công tâm nhất, khách quan nhất để mỗi một cán bộ được luân chuyển, điều động soi mình vào để không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Thực tiễn tại Cà Mau cho thấy, việc luân chuyển cán bộ đã tạo động lực mới trong công tác cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ được quy hoạch, có năng lực, triển vọng phát triển. Đồng chí Huỳnh Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: “Những cán bộ được luân chuyển, điều động thời gian qua đã phát huy được năng lực, sở trường, vận dụng linh hoạt và có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn công tác ở địa phương, cơ quan, đơn vị; nhiều cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tín nhiệm cao, xứng đáng giữ các chức danh cao hơn trong thời gian tới”. Đặc biệt, cán bộ được điều động, luân chuyển luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, đôn đốc, nhắc nhở của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp và thường xuyên là Thường trực Tỉnh ủy; sự hỗ trợ, giúp đỡ trách nhiệm của sở, ban, ngành cấp tỉnh. Hàng năm, Thường trực Tỉnh ủy đều tổ chức gặp mặt các đồng chí cán bộ được điều động, luân chuyển công tác để đánh giá những kết quả đạt được và những mặt chưa được trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ và cũng là dịp để cán bộ được điều động, luân chuyển nói lên tâm tư, nguyện vọng cũng như kiến nghị, đề xuất về những vấn đề từ thực tiễn trong ở cơ sở.
Ông Trịnh Minh Thành, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau rất tâm đắc về những kết quả toàn diện, nổi bật của tỉnh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thời gian qua, nhất là đối với công tác luân chuyển, điều động cán bộ: “Công tác cán bộ lúc nào cũng được Đảng ta đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm cẩn. Công việc này được các cấp ủy đảng ở Cà Mau hết sức quan tâm, từ đó ngày càng bài bản, chặt chẽ, đúng quy định và điều cốt yếu là đã lựa chọn được đúng người, cán bộ xứng đáng. Bởi nói gì thì nói, kết quả của công tác này chính là sự trưởng thành, tiến bộ, năng lực, phẩm chất cống hiến của đội ngũ cán bộ”. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: “Công tác tư tưởng đối với cán bộ điều động, luân chuyển, với cán bộ đang công tác và cán bộ được điều động, luân chuyển là hết sức quan trọng. Ở đây là giúp cán bộ nhận thức được vinh dự, trách nhiệm và sự kỳ vọng của Đảng, của nhân dân với bản thân. Công tác luân chuyển, điều động là để tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm. Mỗi cán bộ phải coi đây là cơ hội, môi trường để bản thân tiếp tục nỗ lực rèn luyện toàn diện về năng lực, phẩm chất; xây dựng uy tín, bản lĩnh trong công tác để phụng sự Đảng, Tổ quốc, nhân dân”.
Công tác điều động, luân chuyển cán bộ trong bối cảnh hiện nay đã được Đảng đặc biệt chú ý về đánh giá năng lực hành động thực tiễn của cán bộ. Đây chính là khâu mấu chốt để chặt đứt tâm lý “cố thủ” đợi hết thời gian luân chuyển, điều động để “ngồi” lên vị trí cao hơn của một bộ phận cán bộ có nhận thức, động cơ, mục đích cá nhân lệch lạc. Cơ chế vừa chặt chẽ, vừa có tính chất “mở” đã giúp đội ngũ cán bộ được luân chuyển, điều động chứng tỏ được năng lực, phẩm chất; mạnh dạn trong tư duy và hành động gắn với vinh dự, trách nhiệm của bản thân để “dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời chia sẻ: “Ở cương vị mới, gắn với thực tiễn, gắn với nhân dân, với sự nỗ lực, cố gắng cao nhất của bản thân, đặc biệt kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, tôi đã khảo sát, làm việc từng các xã, thị trấn để nắm địa bàn, nắm tổ chức bộ máy cán bộ, tiếp cận ngay công việc mới, bằng quyết tâm hành động “bàn làm, không bàn lùi” để khơi dậy sức vóc, sự phát triển của Trần Văn Thời”. Trong gần gần 3 năm được luân chuyển, ông Nhứt với vai trò Bí thư Huyện ủy đã cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị tại địa phương đã góp phần vào đà phát triển mạnh mẽ của KTXH huyện Trần Văn Thời; xây dựng Đảng bộ huyện ngày càng trong sạch vững mạnh. Từ năm 2021 đến năm 2023, Đảng bộ huyện và các đồng chí thành viên Ban Thường vụ Huyện ủy đều được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Với ông Phạm Việt Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy U Minh, sau gần 2 năm ở cương vị mới là trải nghiệm vô cùng quý báu. Đặc biệt với công tác giảm nghèo, xóa nghèo tại huyện U Minh, ông Phong luôn hết sức trăn trở: “Tỷ lệ hộ nghèo của U Minh giảm bình quân hằng năm gần 3%, đến nay còn 4,68%. Mặc dù, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hằng năm đều giảm, tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện U Minh còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo - đây là đều mà tôi luôn ấp ủ, trăn trở, làm sao để xóa nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là người dân sinh sống ở các ấp trong lâm phần rừng tràm, các hộ dân sống ở khu vực ven biển Tây”. Ông Phong cho hay: “Là cán bộ ở vị trí nào cũng vậy thôi, theo lời Bác dạy, cái gì ích nước lợi dân thì mình hết sức làm, cái nào có hại cho dân, cho nước thì hết sức tránh. Tôi rất tâm đắc về không khí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ của anh em cán bộ thuộc diện luân chuyển, điều động hiện nay. Khi gặp gỡ nhau, chúng tôi cùng chung quyết tâm để tiếp tục nỗ lực phấn đấu, làm sao để góp sức mình vào sự phát triển chung của quê hương, đất nước. Khi gắn bó với Nhân dân, trực tiếp với thực tế cơ sở, bản thân cán bộ như tôi thêm sáng mắt, sáng lòng, càng thấy bản thân phải không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện để tiến bộ, trưởng thành”.
Quy định của Đảng về thời gian luân chuyển, điều động cán bộ từ 3 năm trở lên. Đây được coi là khóa đào tạo cán bộ đặc biệt, là môi trường để “luyện vàng, giũa ngọc” để lựa chọn những cán bộ đủ đức, đủ tài, ngang tầm với nhiệm vụ được giao phó. Bởi khi va đập với thực tiễn, sâu sát với đời sống nhân dân, mỗi cán bộ sẽ được tích lũy, bồi tụ cho bản thân rất nhiều điều bổ ích; những bài học kinh nghiệm thiết thân, quý giá. Thực tiễn sinh động và cụ thể hóa những lý luận đã được đào tạo bài bản, giúp cho mỗi cán bộ thêm trưởng thành để vận dụng hài hòa, nhịp nhàng giữa lý luận và thực tiễn thông qua hành động, từ đó mang lại những giá trị cống hiến thực chất, thực sự cho Đảng, cho Nhân dân. Như đã bàn, công tác cán bộ của Đảng ta là khâu khó, nhiều biến số, bởi liên quan đến nhân tố con người. Cơ chế đã có, nhưng việc thực hiện không phải lúc nào cũng hanh thông, thuận lợi. Bài học về công tác cán bộ đã được Đảng ta nêu ra, chỉ ra vẫn là một vấn đề có giá trị sâu sắc để làm sao không chỉ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đúng cán bộ, mà còn để xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, đủ sức phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của đất nước trong bối cảnh mới. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ của Đảng ta cũng vì mục tiêu ấy.
Tại Cà Mau, công tác luân chuyển, điều động cán bộ bên cạnh những kết quả quan trọng, vẫn còn những khó khăn cần nhìn nhận, tháo gỡ. Một trong những khó khăn của cán bộ được điều động, luân chuyển là sự nể nang, ngại va chạm, chưa quyết liệt thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ được giao phó. Theo đồng chí Nguyễn Tiến Hải, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Cà Mau, trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ cần khắc phục ngay một số hạn chế: “Một số ít cán bộ điều động, luân chuyển còn thiếu kinh nghiệm trong công tác; chưa chủ động để nhanh tiếp cận môi trường mới. Việc nắm bắt địa bàn, lĩnh vực phụ trách chưa sâu sát. Việc khẳng định năng lực cá nhân, đóng góp vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chưa rõ nét, chưa nhận được sự ghi nhận của tập thể, người dân. Chưa có nhiều các đề xuất, công việc, giải pháp mang tính đột phá trong vị trí, nhiệm vụ mới”.
Ông Lê Chí Hiếu, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cà Mau cho biết: “Công tác luân chuyển, điều động cán bộ được các cấp ủy đảng, các địa phương nơi cán bộ đến thể hiện được trách nhiệm, đoàn kết, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ được luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chế độ chính sách cho cán bộ được thực đúng, đủ theo quy định hiện hành. Tất cả các huyện trong tỉnh đều bố trí nhà công vụ, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, làm việc tốt nhất cho cán bộ điều động, luân chuyển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luân chuyển, điều động 28 cán bộ đúng quy định, yêu cầu, mục đích”. Theo đó, công tác luân chuyển, điều động cán bộ của Cà Mau hướng đến việc tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, tạo cơ hội thử thách và lựa chọn được những cán bộ thật sự xứng đáng. Thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương; người đứng đầu không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Đồng thời quan tâm luân chuyển, điều động cán bộ trẻ, nữ, dân tộc, cán bộ có khả năng, triển vọng phát triển.
“Công tác luân chuyển, điều động cán bộ gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phải được nắm bắt, tháo gỡ kịp thời. Đây cũng là những công việc vô cùng quan trọng để các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng được đội ngũ cán bộ kế thừa của tỉnh Cà Mau có tâm, có tầm, đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới. Tất cả vì sự ổn định, mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Cà Mau”, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/ca-mau-tap-trung-dao-tao-nguon-can-bo-ke-can-i746766/