Cà Mau thành lập khu bảo tồn biển rộng 27 ngàn ha
Là một trong 4 ngư trường biển quốc gia, kinh tế biển Cà Mau có vai trò lớn trong phát triển kinh tế địa phương. Để tăng trưởng bền vững nhưng giữ tốt môi trường tự nhiên, tỉnh này vừa thành lập khu bảo tồn biển rộng 27.000 ha với quần thể sinh học đa dạng phong phú.
Cà Mau là vùng đất phù sa ven biển, nơi có những cánh rừng nguyên sinh, được bao bọc bởi một hệ sinh thái biển phong phú. Trong đó đảo Hòn khoai, nổi tiếng với khu rừng nguyên sinh với hệ thực vật rất phong phú có nhiều loại cây có giá trị như gỗ lim, bằng lăng, chiêu liêu, dầu rái, muỗng, quế quan, rè vàng, thị rừng, trám mạo, trâm trắng, cốt toái bổ lá lớn, cốt toái bổ lá nhỏ, dây tiết dê, huyết rồng, khoai mài, ngũ gia bì, quế quan, sầu đâu, thần thông, thiên kim đằng, thiên niên kiện,…
Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học vốn có
Ngày 20/6/2024, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt vừa ký quyết định thành lập "Khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp tỉnh" tổng diện tích 27.000 ha, bao gồm vùng biển xung quanh các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc. Trong đó, diện tích các phân khu chức năng 18.000 ha (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.000 ha, phân khu phục hồi sinh thái 11.230 ha và phân khu dịch vụ - hành chính 3.970 ha) và vùng đệm 9.000 ha.
Việc thành lập khu bảo tồn là nhằm bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các loài sinh vật biển, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, loài có giá trị kinh tế và khoa học sống trong khu bảo tồn; bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học biển gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương, góp phần phát triến kinh tế biển; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển.
Cụ thể, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù và quan trọng như: Rạn san hô đảo Hòn Chuối và Hòn Hàng; bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên độc đáo của cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng.
Phục hồi, tái tạo tự nhiên kết hợp với nhân tạo hệ sinh thái rạn san hô tại các khu vực bị suy thoái xung quanh đảo Hòn Chuối và Hòn Hàng. Bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có giá trị bảo tồn, đặc biệt là các loài di cư như: thằn lằn đuôi vàng, sóc bông Hòn Khoai, bồ câu, đại bàng biển bụng trắng, san hô cành, tôm hùm đá, trai bàn mai, trai ngọc nữ,...; bảo vệ các loài thủy sản: tôm he, tôm kính, cá chai, cá đục, cá bơn lưỡi bò, cá trích, cá bống trắng, cá lượng, cá đù, cá đục, cá đối, cá chim trắng, cá trỏng, cá trích, cá khế ,... tại vùng ven biển phía Đông Hòn Khoai và phía Tây Ngọc Hiển.
Cùng với đó, giảm thiểu hoặc loại bỏ những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường, cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái trong khu bảo tồn biển, thích ứng với những biến động tự nhiên và biến đổi khí hậu… Đối tượng bảo tồn gồm: hệ sinh thái san hô, bãi giống, bãi đẻ và các loài thủy sinh vật sinh sống trong khu vực bảo tồn, đặc biệt là các loài quý hiếm, loài có giá trị kinh tế và khoa học.
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn
Vùng biển Cà Mau nói chung và vùng nằm trong khu bảo tồn vừa được phê duyệt nói riêng thường có ít sóng, khá bình yên, thích hợp cho các giống loài thủy sản vào trú ngụ, sinh sản, bảo tồn loài. Đây còn là những bãi sinh sản tự nhiên của các loại thủy hải sản đặc trưng đa dạng vùng biển Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trải qua nhiều năm chiến tranh và khai thác tận diệt, nhiều loài đã gần như không còn: như cá đường, cá rún… Nhưng nơi đây lại hình thành nghề nuôi cá lồng bè ven chân các đảo, lại góp phần phát triển kinh tế, giảm thiểu đánh bắt gây tác động đến môi trường, nguồn lợi từ biển. Mặt khác, rừng nguyên sinh trên đảo Hòn Khoai do được bảo vệ nghiêm ngặt, nên đã tái xuất hiện nhiều loại động vật quy hiếm như: thằn lằn đuôi vàng, sóc bông….
Ngày 19/6/2024, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định: "Thành lập khu bảo tồn biển Cà Mau một hành động cụ thể của địa phương, nhằm bảo viên ngọc quý về hệ sinh thái biển riêng biệt đặc trưng của Cà Mau, qua đó còn tạo tiền đề phát triển kinh tế biển bền vững trong nhiều năm tới và lâu dài."
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, ngư trường Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của quốc gia. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do khai thác quá mức đã làm cạn kiệt nguồn lợi, kéo theo nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và thương mại ngành thủy sản Việt Nam.
Cùng với việc thực hiện các quy định về nghiêm cấm khai thác tận diệt, hủy diệt, việc thành lập Khu bảo tồn biển thể hiện quyết tâm của tỉnh Cà Mau trong bảo tồn và phục hồi nguồn lợi thủy sản, đưa ngành thủy sản địa phương phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian tới, Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, thực hiện các chương trình, dự án truyền thông, chuyển đổi sinh kế và phát triển cộng đồng. Đối với chương trình dự án phục hồi hệ sinh thái, sẽ tiến hành nghiên cứu, áp dụng hình thức bảo tồn chuyển vị để phục hồi và bảo tồn loài động thực vật quý hiếm. Tiếp tục thả rạn nhân tạo làm nơi trú ẩn, sinh trưởng cho các loài thủy sản, xây dựng chương trình bảo tồn loài thằn lằn đuôi vàng và sóc bông trên đảo Hòn Khoai.
“Trước mắt, giao Chi cục Kiểm ngư chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức quản lý Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau theo quy định. Về lâu dài, khi khu bảo tồn đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu khai thác dịch vụ và dự kiến được nguồn thu đảm bảo tự cân đối, sẽ đề xuất thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn biển theo quy định do Chi cục Kiểm ngư tỉnh Cà Mau đảm nhận” - ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ca-mau-thanh-lap-khu-bao-ton-bien-rong-27-ngan-ha.html