Cà Mau: Thiệt hại về tài sản do thiên tai ước tính trên 36 tỷ đồng
Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau yêu cầu các sở, ngành, huyện, thành phố Cà Mau theo dõi chặt diễn biến thiên tai, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 14/8, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản. Đáng quan tâm là các vụ sạt lở, sụt lún liên tiếp làm ảnh hướng đến đời sống, sản xuất, hoạt động giao thông của người dân, doanh nghiệp.
Toàn tỉnh xuất hiện 730 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 19km, có 83 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài gần 2,2 km.
Nguyên nhân xảy ra sạt lở, sụt lún không chỉ do mất phản áp của nước vào thành bờ sông mà còn do đặc điểm địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu.
Ngoài ra, thiên tại còn gây thiệt hại 153 căn nhà, làm ngập úng 615ha lúa Hè Thu, hư hỏng nhiều công trình cầu bê tông, trụ điện, cáp viễn thông, cây xanh… Tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra ở Cà Mau ước tính trên 36 tỷ đồng.
Nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình thiên tai trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết Ủy ban Nhân dân yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, chỉ đạo, hướng dẫn người dân kiểm tra, chủ động gia cố bờ bao, chuẩn bị phương tiện bơm tát nước và thực hiện các giải pháp thích hợp khác nhằm phòng tránh thất thoát thủy sản nuôi, ngập úng lúa, hoa màu; tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún, ngập úng, chủ động di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh tổ chức trực ban đúng quy định, theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất phù hợp lịch mùa vụ và diễn biến thời tiết, thiên tai; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tránh phát sinh dịch bệnh; hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng neo đậu tàu thuyền tránh, trú an toàn; đảm bảo an toàn đối với lồng bè nuôi thủy sản tại các khu vực ven biển, đảo.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh đã chủ động các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão năm 2024.
Các ngành, các cấp quan tâm theo dõi sát diễn biến thời tiết, thiên tai; huy động có hiệu quả nguồn lực tại chỗ hiện có và chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp, kịp thời, nhất là đẩy mạnh công tác thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai để tăng nguồn kinh phí hỗ trợ nhân dân ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão và hoạt động phòng, chống thiên tai cấp bách của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách và các nguồn lực hợp pháp cho các hoạt động thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và phục hồi tái thiết sau thiên tai.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Cà Mau là địa phương có 3 mặt tiếp giáp biển, trong khi đó hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, phương án bảo vệ hiệu quả vùng ngọt hóa của tỉnh là xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là quan tâm đầu tư mới hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến nhằm chia nhỏ các vùng có diện tích từ 500-1.000ha để chủ động điều tiết nước trong nội vùng ngọt, hạn chế bơm bỏ ra sông Đốc và biển Tây, đây là một trong những giải pháp hạn chế tối đa mất phản áp khi mực nước trong kênh hạ xuống quá thấp trong thời điểm khô hạn.
Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện đầu tư một số danh mục công trình bức xúc gọi chung là “Dự án cấp nước sạch sinh hoạt bức xúc khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau,” kinh phí đầu tư khoảng 241,7 tỷ đồng, dự kiến có gần 14.000 hộ dân sẽ được hưởng lợi từ dự án này.
Về lâu dài, tỉnh đề xuất Trung ương đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đấu nối với dự án Quản Lộ- Phụng Hiệp, cùng với các hạng mục sửa chữa Âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên quốc lộ 1 nhằm thực hiện mục tiêu chậm mặn, bổ sung nguồn nước ngọt về Cà Mau, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống cháy rừng vào mùa khô./.