'Ca mổ là cuộc chiến, người bệnh như người thân'

Nhìn người đàn ông với nụ cười ấm áp và đôi mắt sáng ấy, người ta dễ nghĩ đến thần thái của một nhà giáo. Nhưng không chỉ có vậy…

Sự lựa chọn liều lĩnh

Lần giở về quá khứ, 26 năm trước, bác sĩ nội trú Lê Văn Quảng tròn 25 tuổi, cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội lựa chọn cho mình một hướng đi liều lĩnh, ấy là phẫu thuật ung thư. Bác sĩ nội trú là cụm từ đảm bảo cho năng lực, sức sáng tạo và hoài bão của tuổi trẻ ngành y xuyên suốt hàng chục năm qua. Mỗi khóa học thời đó chỉ có một vài người có thành tích học tập xuất sắc mới thi đỗ bác sĩ nội trú. Hoài niệm về quãng thời gian học nội trú, anh không ngần ngại cho đó là dấu mốc cực kì đáng nhớ bởi những khó khăn gian nan trong 3 năm lăn lộn 24/24 giờ ở bệnh viện để học trong lúc làm, học khi chăm sóc bệnh nhân.

GS.TS Lê Văn Quảng.

GS.TS Lê Văn Quảng.

Giờ đây trước mặt tôi là một trong những vị giáo sư đầu ngành về ung thư của nước ta, người trong suốt hành trình làm nghề đã không ít lần ghi danh Việt Nam trên bản đồ y khoa trong và ngoài nước. Tôi có cơ may được quen biết và nhiều lần làm việc với anh, từ những ngày anh còn là bác sĩ phẫu thuật suốt ngày bận rộn ở phòng mổ. Trong nhiều lần trò chuyện GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương thường nhắc đến các học trò của mình với sự trân trọng tuyệt đối. Nhìn họ, anh thấy lại mình của một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết, tận tâm và luôn học hỏi không ngừng nghỉ. Vừa làm bác sĩ trực tiếp mổ, vừa làm thầy của các thế hệ bác sĩ tương lai, nhiều người trong số đó lần lượt trở thành đồng nghiệp của anh. Trong mắt họ, GS Quảng luôn là một người ấm áp, dễ gần. Với những học trò lựa chọn chuyên khoa phẫu thuật đầu mặt cổ để gắn bó suốt đời làm nghề, TS Quảng gọi đó là “sự lựa chọn liều lĩnh” bởi mổ ung thư đầu mặt cổ thực sự gian nan vì giải phẫu phức tạp, các cơ quan vùng đầu mặt cổ rất quan trọng, không may chạm vào mạch máu, bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

Những học trò xuất sắc của anh phải kể đến là TS. Ngô Quốc Duy, Phó trưởng khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K), người sắp nhận bằng phẫu thuật viên châu Âu cũng là 1 trong 10 người có video trình diễn xuất sắc nhất thế giới về phẫu thuật tuyến giáp; TS. Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Khoa Ngoại đầu cổ, có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế cùng GS Quảng; TS. Nguyễn Xuân Hậu, Phó khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Tốt nghiệp bác sĩ nội trú, Hậu được phân công về làm tại Bộ môn Ung thư (Trường ĐH Y Hà Nội) đồng thời trở thành phẫu thuật viên chính tại khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Từ đây Hậu được GS.TS Lê Văn Quảng, Trưởng bộ môn Ung thư Trường Đại học Y Hà Nội cho theo trợ giảng. Anh cũng là người đào tạo và dìu dắt từ những ngày đầu Hậu bước chân vào con đường chông gai của ngành Y: học để trở thành bác sĩ nội trú.

GS.TS Lê Văn Quảng tiễn bệnh nhân về quê ăn Tết trên chuyến xe miễn phí do bệnh viện tổ chức

GS.TS Lê Văn Quảng tiễn bệnh nhân về quê ăn Tết trên chuyến xe miễn phí do bệnh viện tổ chức

Rồi sau đó là liên tiếp những tháng GS.TS Lê Văn Quảng lùi lại phía sau, làm bác sĩ phụ mổ cho học trò của mình. Chính sự tận tâm trong vai trò người Thầy đã khiến giảng viên Lê Văn Quảng được nhiều thế hệ học trò yêu quý, tin tưởng và mơ ước vươn tới tầm mà Thầy đã đạt được. Những sinh viên chia sẻ, họ cảm nhận được sự nhiệt tình và những kiến thức chuyên môn quý giá từ thầy Quảng. Giờ đây, các tiến sĩ Nguyễn Xuân Hậu, Ngô Quốc Duy, Ngô Xuân Quý và nhiều học trò đã trở thành đồng nghiệp tin cậy và xuất sắc bên cạnh những người Thầy từng dìu dắt mình.

Khi còn là thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Hậu cũng chính là đồng tác giả với người Thầy của mình và bác sĩ nội trú Nguyễn Văn Hùng trong công trình nghiên cứu khoa học “Giá trị của sinh thiết hạch cửa trong ung thư tuyến giáp” đăng trên tạp chí ung thư quốc tế Journal Surgical Reseach. Bài báo này được giải 3 ở Hội nghị quốc tế về ung thư tuyến giáp tại Nhật Bản năm 2017. Đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam, hiện đang được áp dụng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nó giúp phát hiện di căn tiềm ẩn với độ chính xác cao đối với những bệnh nhân không phát hiện di căn hạch trước mổ. Ưu điểm chính của kĩ thuật này là xác định bệnh nhân ung thư tuyến giáp có hạch âm tính để có thể tránh được việc vét hạch dự phòng không cần thiết, giúp tránh tỉ lệ biến chứng do vét hạch cổ gây ra. Nó cũng cho phép phát hiện sớm di căn hạch, từ đó có thể đưa ra liều điều trị iod phóng xạ được chính xác.

Người truyền cảm hứng

Những lần trò chuyện với GS.TS Lê Văn Quảng, tôi nhận thấy sự trân trọng mà anh dành cho các thế hệ học trò. Anh luôn dành cho họ vị trí của người cùng tranh luận. Trong một lần được chứng kiến anh và các học trò trao đổi chuyên môn, không còn thấy hình ảnh của thầy - trò mà thay vào đó là những nhà khoa học đang miệt mài đưa ra những ý kiến để làm rõ vấn đề về một ca ung thư rất khó vùng đầu cổ. Có lẽ chính vì được chỉ bảo, dạy dỗ và đồng hành của một người Thầy như thế nên các bác sĩ như Ngô Quốc Duy, Ngô Xuân Quý, Nguyễn Xuân Hậu và các đồng nghiệp trẻ có được cơ hội phát huy hết những tố chất đặc biệt tiềm ẩn. GS Quảng nhận định: “Khó nhất trong phẫu thuật đầu cổ là cắt toàn bộ tuyến mang tai, bảo tồn dây thần kinh số 7. Và các bác sĩ trẻ đã làm được tất cả những ca khó nhất tức là đã đạt trình độ phẫu thuật đầu mặt cổ rất tốt. Những người đi trước như tôi có thể hoàn toàn yên tâm vào những người tiếp nối như các cậu ấy”.

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K. Tranh: Kim Duẩn

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K. Tranh: Kim Duẩn

Trước khi trở thành một nhà quản lí, bác sĩ Quảng chuyên tâm phẫu thuật hàng nghìn ca bệnh ung thư phức tạp. Tôi nhớ năm ấy, dù đã đặt lịch phỏng vấn anh cho chuyên đề về ung thư của báo Tiền Phong nhưng đúng hẹn đến nơi, tôi thấy bóng anh lao vút đi dọc hành lang bệnh viện chỉ kịp nói với lại: “Anh mổ cấp cứu, cố gắng chờ anh”. Đó là một ca bệnh đặc biệt khó, có lẽ khó nhất trong những năm làm nghề của anh đến thời điểm đó. Tôi kiên nhẫn ngồi đợi. Cánh cửa phòng làm việc mở ra, trước mắt tôi là gương mặt thấm mệt nhưng ánh mắt bừng lên cảm xúc khó che giấu. Không dám phá vỡ tâm trạng của anh khi đó, tôi im lặng. Chừng 10 phút sau, bác sĩ Quảng cất lời: “Cứu được rồi em ạ”. Chỉ 5 từ ngắn gọn nhưng với chất giọng trầm ấm của anh tôi hiểu vị bác sĩ ấy đang trải qua những phút giây hạnh phúc tột độ. Anh bảo: “Có những ca mổ mà phẫu thuật viên cảm thấy thời gian như không tồn tại. Mỗi ca mổ thực sự là một cuộc chiến, người bệnh như người thân của mình”.

Hành trình 26 năm làm nghề GS Quảng luôn cố gắng áp dụng những kĩ thuật mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Trong số đó phải kể đến kĩ thuật cắt tuyến giáp nội soi qua đường miệng. Đây là kĩ thuật mới trên thế giới và lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Phương pháp này đem lại lợi ích tối đa cho bệnh nhân phẫu thuật u tuyến giáp như đạt kết quả cao nhất về mặt thẩm mĩ (hoàn toàn không có sẹo mổ), an toàn, hiệu quả, thời gian nằm viện ngắn. Phẫu thuật này đánh dấu bước phát triển mới về phẫu thuật tuyến giáp tại Việt Nam và được Quốc tế công nhận. Đến nay GS Lê Văn Quảng đã có 20 bài báo chuyên sâu về phẫu thuật tuyến giáp qua đường miệng được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Mới đây nhất vị giáo sư đầu ngành ung thư đã được mời báo cáo về kĩ thuật này tại Hội nghị Đầu cổ Thế giới năm 2023 diễn ra tại Rome, Italia.

Năm 2020, GS.TS Lê Văn Quảng nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Bệnh viện K. Việc đầu tiên anh làm là đi từng phòng, ban để trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân viên, bác sĩ, người lao động. Sau đó cùng đồng nghiệp, GS Quảng đã xây dựng quy trình làm việc, từ việc mua sắm thiết y tế sao cho phù hợp với quy định của pháp luật, đến hoàn thiện 600 quy trình chuyên môn của Bệnh viện K. Có lẽ, trong thời điểm ngành Y tế nhiều khó khăn, ít có đơn vị nào lại mạnh dạn tổ chức các lớp tập huấn về đấu thầu nhưng Bệnh viện K lại trở thành một trong những đơn vị y tế tiên phong về vấn đề này.

Trong số 16 tập thể, cá nhân được lựa chọn vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam 2023”, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm.

Những năm 2020-2022 khi dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, Bệnh viện K cũng gặp nhiều thách thức khi lần đầu tiên trong lịch sử gần 100 năm hình thành và phát triển cả 3 cơ sở phải tạm dừng khám chữa bệnh phục vụ công tác phòng chống dịch. Nhớ lại thời điểm Bệnh viện K bị phong tỏa, GS Quảng kể, khi đó toàn Bệnh viện K có khoảng 4.000 viên chức và bệnh nhân. Nhưng với tinh thần cùng nhau vượt qua khó khăn, Bệnh viện vẫn lo được 10.000 suất ăn mỗi ngày cho người lao động và bệnh nhân, đồng thời vận chuyển 780 chuyến xe đưa bệnh nhân về các tỉnh, đảm bảo an toàn, không bị lây lan. “Khi giãn cách xã hội, nhân viên ít việc, chúng tôi lại cùng nhau chia sẻ chuyên môn, học trực tuyến các kĩ thuật mới, để đến khi hết cách li, chúng tôi lại phát triển kĩ thuật mới”, Giám đốc Bệnh viện K nhớ lại. Anh gọi những ngày tháng đó là “cuộc chiến vô hình” khi tất cả cùng gồng sức để đối mặt với kẻ thù mang tên SARS-CoV-2 với tâm niệm bằng mọi giá để không gián đoạn lâu việc cứu chữa người bệnh.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ca-mo-la-cuoc-chien-nguoi-benh-nhu-nguoi-than-post1539928.tpo