Ca mổ lấy giun sống khỏi não người đầu tiên trên thế giới
Khi một phụ nữ Úc 64 tuổi được đưa đến bệnh viện để phẫu thuật não, bác sĩ giải phẫu thần kinh Hari Priya Bandi đã không ngờ sẽ lôi ra được một con giun tròn ký sinh dài 8 cm còn sống đang ngọ nguậy giữa hai chiếc kẹp của bà.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Canberra, ông Sanjaya Senanayake, nói với CNN rằng phát hiện này đã gây ra một cuộc đua để tìm ra chính xác loại ký sinh trùng đó là gì. Theo thông cáo báo chí của Đại học Quốc gia Úc và Bệnh viện Canberra, các xét nghiệm phân tử xác nhận đó là Ophidascaris robertsi - một loài giun tròn thường được tìm thấy ở loài trăn.
Ông Senanayake, đồng thời là giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc, nói: “Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là trường hợp đầu tiên liên quan đến não của bất kỳ loài động vật có vú nào, dù là con người hay không”.
Các nhà nghiên cứu cho biết nữ bệnh nhân sống gần khu vực hồ có trăn thảm sinh sống ở phía đông nam bang New South Wales. Mặc dù bà không tiếp xúc trực tiếp với các loài bò sát, nhưng có khả năng đã nhiễm giun sau khi ăn rau xanh Warrigal, một loại rau lá bản địa. Các bác sĩ và nhà khoa học liên quan đến trường hợp của bệnh nhân đưa ra giả thuyết rằng một con trăn thảm có thể đã làm lây lan ký sinh trùng qua phân của nó vào rau xanh, sau đó bệnh nhân chạm vào và lây nhiễm chéo sang thức ăn hoặc dụng cụ nấu ăn.
Bệnh nhân ban đầu được đưa vào bệnh viện địa phương vào cuối tháng 1/2021 sau khi bị đau bụng và tiêu chảy trong 3 tuần, sau đó là ho khan liên tục, sốt và đổ mồ hôi ban đêm. Vài tháng sau, các triệu chứng của bà phát triển thành chứng hay quên và trầm cảm và bà được gửi đến một bệnh viện ở thủ đô, nơi kết quả chụp MRI cho thấy có điều gì đó bất thường ở thùy trán bên phải của não.
Giun tròn ký sinh có khả năng xâm lấn cao và người ta nghi ngờ rằng ấu trùng hoặc con non của nó đã hiện diện trong các cơ quan khác trong cơ thể nữ bệnh nhân, bao gồm phổi và gan.