Ca mổ tim trực tuyến đầu tiên qua hệ thống Telehealth đã thành công
Các bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội vừa điều hành ca mổ tim trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ qua Hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth).
Điều hành từ xa, các bác sĩ Hà Nội cứu chữa thành công cho một bệnh nhi ở Phú Thọ
Ngày 6/8, Bệnh viện Tim Hà Nội đã khai trương Hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Viettel phối hợp xây dựng. Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong số ít các trung tâm tim mạch thực sự hoàn chỉnh với 5 mũi nhọn: nội khoa tim mạch, tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch, tim mạch nhi khoa và tim mạch chuyển hóa. Bệnh viện được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ đầu ngành tim mạch, hỗ trợ phát triển chuyên ngành tim mạch cho 160 bệnh viện/trung tâm y tế thuộc Hà Nội và các tỉnh thành trên toàn quốc.
Ngay tại buổi khai trương Telehealth, các bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện kết nối với các bác sĩ tại các bệnh viện tỉnh Thái Bình, Phú Thọ, Gia Lai, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Sóc Sơn với nội dung tư vấn thuộc 3 lĩnh vực gồm phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch và nội tim mạch.
Đặc biệt, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã xin ý kiến hội chẩn từ các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội về trường hợp một bé gái ở Phú Thọ bị thông liên thất. Căn bệnh khiến bệnh nhi chậm tăng cân, thể trạng gầy yếu.
Từ điểm cầu của Bệnh viện Tim Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện, sau khi nghe báo cáo và xem bệnh án, các kết quả xét nghiệm, siêu âm, X-quang... của bệnh nhi, đã đưa ra chỉ định, với trường hợp này, để bảo đảm an toàn cho người bệnh không thể áp dụng phẫu thuật nội soi mà phải chỉ định can thiệp phẫu thuật tim mở (qua động mạch phổi), đồng thời thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể... để từ đó tìm tổn thương thông liên thất và vá lỗ thông.
Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã chuyển ngay bệnh nhi đến phòng phẫu thuật. Toàn bộ hình ảnh từ cuộc can thiệp được truyền trực tiếp từ phòng phẫu thuật Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ về đầu cầu Bệnh viện Tim Hà Nội để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí từng bước. Cuối cùng, ca can thiệp tim mạch đã diễn ra thành công.
Hệ thống Telehealth mới khai trương tại Bệnh viện Tim Hà Nội đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Bằng việc tích hợp công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại, kết hợp đường truyền tốc độ cao, hệ thống có khả năng xử lý theo thời gian thực, đảm bảo độ chính xác cao cho các ca phẫu thuật từ xa. Với hệ thống này, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến trên có thể điều hành trực tiếp các ca phẫu thuật tại tuyến dưới, giúp rút ngắn quá trình cứu chữa bệnh nhân trong các trường hợp khẩn cấp.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu, là tiền đề cho các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tiếp theo trong chuỗi các hoạt động khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Tim Hà Nội. “Chúng tôi hi vọng hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên nền tảng công nghệ thông tin ngày càng phát huy hiệu quả, đảm bảo tính bền vững trong công tác chuyển giao kĩ thuật cho các tuyến”, ông Hiền chia sẻ.
Bệnh viện Tim Hà Nội đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành tim mạch, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 16 bệnh viện vệ tinh. Hiện nay, 30 bệnh viện đã gửi công văn đăng ký tham gia mạng lưới tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Thực hiện Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025
Việc áp dụng Hệ thống hỗ trợ, tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Tim Hà Nội được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội nhằm thực hiện mục tiêu chung của Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 – 2025” được Bộ Y tế ban hành ngày 22/6/2020, đó là: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Cùng với đó, các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Trước Bệnh viện Tim Hà Nội, hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) cũng được triển khai tại nhiều bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương… kết nối đến hàng chục bệnh viện tại các tỉnh thành trên cả nước.
Telehealth giúp người dân dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức call, chat…, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật các thông tin hướng dẫn điều trị. Cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (chat, call, SMS…) và chỉ định điều trị, điều trị, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, khám lại.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã có văn bản đề nghị các bệnh viện thực hiện giãn cách, phân luồng, sàng lọc người bệnh.
Ngoài ra, trong giai đoạn dịch như hiện nay, một trong những giải pháp giúp giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, phòng lây nhiễm chéo, nâng cao công tác điều trị, chẩn đoán, đặc biệt là giúp cho người dân tuyến dưới được hưởng dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, việc triển khai thực hiện khám, chữa bệnh từ xa đóng vai trò rất quan trọng.