Cả một đời thương nhớ
Trải qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta có gần 17 nghìn người con ưu tú đã hy sinh. Mỗi một người lính nằm lại chiến trường là một nỗi nhớ thương đến cồn cào cho người ở lại. Những ngày tháng Bảy, trong chuyến về nguồn đặc biệt, chúng tôi đã có dịp tới thăm, trò chuyện với những người mẹ, người con của các liệt sĩ để được nghe họ kể về những người nằm dưới mộ. Dẫu những câu chuyện ấy được xâu chuỗi bằng những ký ức không tròn bởi năm tháng, nhưng nỗi nhớ về người nằm xuống thì vẫn vẹn nguyên, thiết tha, rõ rệt.
Chúng tôi đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Ý ở xã Ninh Xuân (huyện Hoa Lư) vào một ngày tháng Bảy lịch sử. Mẹ Ý đang ở ngoài vườn. 97 tuổi rồi, mẹ vẫn tự tay chọn từng bông cúc tươi đẹp nhất chuẩn bị bày biện lên bàn thờ hai liệt sĩ là chồng và con trai. Chồng mẹ Ý tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tái nhập ngũ được chừng 1 năm thì ông hy sinh, đó là vào một ngày mùa thu năm 1966.
"Khi đó, hai con trai của mẹ còn nhỏ. Đứa lớn 13 tuổi, đứa bé mới lên 4. Có với nhau hai mặt con, nhưng những tháng ngày hạnh phúc bên nhau rất hiếm hoi. Ngày mẹ sinh thằng thứ 2, ông ấy mừng lắm. Ông ấy bảo, khi sức khỏe kém hơn, ông ấy sẽ xuất ngũ ở nhà làm hậu phương vững chắc cho hai con trai. Các con ông cũng sẽ là những chiến binh dũng cảm nhất"- mẹ Ý xúc động kể lại.
Mẹ Ý dẫn chúng tôi đi ngắm hai hàng cây nhãn được trồng trong vườn nhà. Mỗi gốc nhãn to bằng một vòng ôm của người lớn, xù xì, rêu phong những chứng tích của thời gian. Mẹ Ý bảo rằng, hàng nhãn này được mẹ trồng từ khi các con của mẹ còn nhỏ xíu. Cùng với các thức hoa trái khác trong vườn, nhãn đã nuôi sống cả gia đình. Hàng cây nhãn này, giờ cậu con trai út của mẹ là Lưu Đức Nam chăm bẵm, thu hoạch.
Ông Nam mở một homestay nho nhỏ để phục vụ khách du lịch. Du khách tới đây, một phần cũng bởi sự yêu mến, đắm say hàng nhãn mát rượi và xanh tươi này.
Mẹ Ý kể: Liệt sĩ Lưu Đức Xuyên là cậu con trai đầu của mẹ, sinh năm 1953. Là giấy tờ lưu lại thế, chứ chừng ấy năm rồi, mẹ không nhớ nổi đâu. Nó vẫn thường ngồi chơi ở gốc cây nhãn này và trông em, mỗi khi giúp đỡ mẹ xong xuôi mọi việc nhà. Nó có thể sẽ là một thầy giáo, một bác sĩ, hay một người nông dân giàu có, vì nó học giỏi. Mẹ tin nó sẽ thành công. Nhưng học xong lớp 10, nó bảo con đi bộ đội. Nó giống cha như đúc, giống khuôn mặt và giống cả cái tính bướng bỉnh, đã nói là làm ấy nữa. Cha nó hy sinh rồi, sự sống của mẹ chỉ còn biết trông vào hai đứa nó. Nhưng khi nó nối chí cha, quyết đi bộ đội, mẹ cũng không dám gàn. Cái thời ấy, cả ngàn, cả triệu người mẹ đều làm như vậy: nén nỗi đau để động viên con lên đường tòng quân, đánh giặc dù rằng cái lằn ranh sinh tử nơi chiến trường ấy là vô cùng mong manh.
Xuyên nhập ngũ cuối năm 1972, sau 3 tháng huấn luyện thì được phân công vào chiến trường Quảng Trị. Nó cũng gửi được về nhà vài bức thư. Lá thư nào, nó cũng dặn mẹ phải chăm lo sức khỏe. Mẹ cũng chỉ nhớ được đến thế. Đến tháng 7 năm 1973, thì Xuyên hy sinh. Ngày xã và các đoàn thể vào nhà trao giấy báo tử và làm lễ truy điệu cho Xuyên, mẹ đã không thể đứng vững. Những ngày sau đó, mẹ không khóc. Nhưng mỗi ngày, mỗi tháng, trái tim mẹ như có ai bóp nghẹt. Hai lần nhận giấy báo tử của chồng và của con, có lẽ ở cuộc đời này, chẳng còn nỗi đau nào có thể làm mẹ gục ngã được nữa.
Đâu đó những năm 80 hay 90 của thế kỷ trước, mẹ Ý được vào viếng Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, nơi chồng mẹ đang yên nghỉ. Mẹ Ý đã nói với ông rằng, cũng như ông, con trai cả của hai người đã sống những tháng ngày rực rỡ và trọn vẹn. Ký ức của Mẹ về liệt sĩ Lưu Đức Xuyên chỉ còn có vậy. Mẹ bảo rằng mẹ không nhớ nổi con mình gầy hay béo, cao hay thấp… mẹ chỉ cảm thấy một nỗi nhớ thương đến cồn cào về một bóng hình không còn rõ. Con trai mẹ đã nằm lại ở đâu đó trên mảnh đất miền Trung nắng gió.
Năm nay đã 97 tuổi rồi, chắc mẹ không chờ đợi được ngày tìm thấy và đón con trở về quê hương. Nhưng dẫu con ở đâu, mẹ vẫn luôn dành cho con tất cả nỗi nhớ mà mẹ kìm nén suốt bao nhiêu năm qua.
Thả đèn hoa đăng tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Tạm biệt mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Ý, chúng tôi đến xã Lạc Vân (huyện Nho Quan) để tìm gặp 1 trong 4 người con gái của liệt sĩ Vũ Văn Thiếp- cô Vũ Thị Lý. Cô Lý sinh ở xã Lạc Vân. Nhưng cô công tác và lập nghiệp ở mảnh đất Tây Ninh nhiều nắng gió. Sau hơn hai năm không thể về quê do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm nay, cô Lý chọn những ngày tháng Bảy để về thăm quê và thắp hương lên mộ phần của cha.
Cô Lý bảo, một lá thư cha gửi về từ chiến trường, một chiếc áo dạ và một chiếc bát câu, đó là tất cả những kỷ vật mà cha cô để lại cho 5 mẹ con cô. Bức thư vàng ố dấu vết thời gian, vẫn được mẹ cô ngày còn sống đọc đi đọc lại, trong lá thư ấy, người cha dặn người mẹ trẻ chăm lo cho đàn con, hướng dẫn các con cách tránh bom an toàn; dặn các con gồm 4 đứa con gái: Liễu, Hoa, Lý, Luận phải chăm ngoan, hiếu kính với ông bà, với mẹ… Người mẹ tảo tần của cô Lý cũng đã về với cha cô từ nhiều năm nay. Còn 4 chị em cô cũng đã lên chức bà nội, bà ngoại. Nhưng mỗi khi nghĩ về cha, cô Lý lại thấy mình bé bỏng, thơ dại.
Cô Lý kể cho chúng tôi nghe về cha bằng những dữ liệu tuy không nhiều nhưng tha thiết: Cha tôi đã có nhiều năm tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau đó, cha về công tác tại UBND xã. Còn mẹ tôi thì làm đội phó đội sản xuất. Cha tôi làm được chừng 2 năm, thì tái ngũ, trở lại chiến trường tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau này, mẹ tôi vẫn kể rằng, lần thứ 2 khoác áo lính, cha không bàn bạc trước với mẹ. Một tối cha về nói với mẹ: "Tôi lại vào chiến trường. Tôi đi đánh Mỹ để đến đời các con được tự do, để cuộc đời chúng nó được sung sướng".
Cha đi rồi để lại mình mẹ vật lộn với cuộc sống để chăm bẵm 4 đứa con thơ và chăm sóc bố mẹ chồng. Vất vả mẹ không ngại, nhưng lại là những tháng năm đằng đẵng nhớ mong, lo lắng. Từ khi cha vào chiến trường, chị em cô Lý chỉ được gặp cha đúng 1 lần. Đó là lần về qua nhà duy nhất của cha. Khi đó, cả 4 chị em đều còn nhỏ. Cô Lý chỉ nhớ rằng cha xách cần đi câu ở một khúc ao đầu làng, suốt một buổi chiều, cha câu được nhiều cá rô. Mẹ chọn những con to nhất để chế biến bữa tối. Số cá nhỏ còn lại thì thả vào "sống" trong chiếc nồi đồng để ăn dần. "Bữa tối hôm ấy, trên chiếc chõng tre giữa sân, bên ngọn đèn dầu, dưới ánh trăng vằng vặc, cạnh một khu vườn mát rượi, cả gia đình tôi ăn cơm với cá rô kho với khế. Đó là một bữa cơm ngon nhất trong đời tôi với đủ bố mẹ và các chị em. Cảm giác sum vầy, hạnh phúc ấy tôi đã nâng niu cho đến tận hôm nay"- cô Lý nhớ lại.
Cô Lý kể tiếp: Năm 1966, cha tôi hy sinh ở Bình Định. Nhưng đến năm 1969, gia đình tôi mới nhận được giấy báo tử của cha. Địa phương đã tổ chức lễ truy điệu cha và 2 liệt sĩ khác cùng xã. Hai liệt sĩ ấy lại là cha của hai người bạn trong lớp của tôi. Vì là con của liệt sĩ nên ở lớp, chúng tôi được cô giáo và bạn bè yêu thương đùm bọc và giúp đỡ nhiều. Vì vậy, tôi rất tự hào, hãnh diện. Nhưng tiếp đó là những chuỗi ngày dài tôi và các chị em mình cảm thấy cô đơn, thiếu vắng. Những buổi đến trường, những sự kiện trọng đại trong đời… chúng tôi đã không có cha ở bên. Chúng tôi không có bờ vai vững chãi của cha để tựa vào mỗi khi cảm thấy chông chênh nhất…
Nhưng là con liệt sĩ, con của người lính dũng cảm, kiên trung, chúng tôi tự nhủ phải thật mạnh mẽ, để xứng đáng là con gái của cha và làm chỗ dựa cho mẹ, cho các chị, các em. Nỗi nhớ thương cha, chúng tôi để ở trong lòng.
Đến năm 2015, với sự giúp đỡ của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Ninh Bình và nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương khác, gia đình tôi đã tìm và đón được hài cốt cha từ nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Hảo (tỉnh Bình Định) trở về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà. Cha trở về với quê hương rồi, chúng tôi cũng cảm thấy an lòng hơn. Mỗi dịp tháng Bảy về, các con, các cháu tề tựu đông đủ để đi thăm cha, ông, để được nói với người những lời thương nhớ.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ca-mot-doi-thuong-nho/d20220722074015912.htm