Cá nhân trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý hình sự
Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Toàn án nhân dân tối cao ban hành ngày 15/8/2019, hướng dẫn áp dụng Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y yế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự đã chính thức có hiệu lực.
Tổ chức Công đoàn có thể gửi văn bản kiến nghị khởi tố
Thay vì chỉ xử lý pháp nhân doanh nghiệp, sắp tới các cá nhân là chủ doanh nghiệp có các hành vi trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử lý hình sự.
Trước đây, cần phải có ủy quyền của người lao động tại doanh nghiệp thì công đoàn cơ sở mới khởi kiện chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là cơ chế ủy quyền khởi kiện dân sự.
Tuy nhiên, với Nghị quyết số 05 này, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động có thể gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội và một số thành phố lớn, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, các hành vi gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng ngày càng phức tạp.
Việc Nghị quyết số 05 có hiệu lực sẽ giúp thống nhất cách hiểu, quy trình, quy định thủ tục khởi tố,… Đồng thời, sẽ góp phần ngăn chặn và xử lý các hành vi phạm tội trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó giúp kéo giảm tỉ lệ nợ đọng bảo hiểm xã hội và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tham gia tố tụng với tư cách là bị hại
Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên; trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc trốn đóng cho 200 người trở lên thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Theo hướng dẫn vừa được ban hành, trong các vụ án hình sự mà các bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh nêu trên, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tham gia tố tụng với tư cách là bị hại.
Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan để xem xét, khởi tố. Đối với tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nghị quyết số 05 còn dành Điều 5 quy định về nguyên tắc xử lý các hành vi vi phạm. Theo đó, đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ ngày 1/1/2018 thì không xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự mà tùy từng trường hợp xử lý.
Nếu chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử phạt hành chính. Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành được xác định tại khoản 2 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nếu gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.