Ca nhiễm Covid-19 tăng khắp thế giới, người đào mộ Indonesia làm suốt đêm
Hàn Quốc và Israel, hai nước dường như đã đè bẹp được Covid-19, đang chứng kiến các ca nhiễm tăng trở lại.
Theo báo The New York Times, tại Indonesia, những người đào mộ phải làm việc tới đêm trong khi oxy và vắc xin đang thiếu hụt. Ở Trung Quốc, nhà chức trách đã cho xây dựng một trung tâm cách ly khổng lồ, lên tới 5.000 phòng dành cho du khách quốc tế. Australia đã yêu cầu hàng triệu người ở trong nhà.
Một năm rưỡi sau khi lan khắp toàn cầu, đại dịch Covid-19 đang gia tăng trở lại ở nhiều khu vực trên thế giới, phần lớn là do các biến thể mới, đặc biệt là biến thể Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Ca nhiễm Covid-19 ở Israel tăng mạnh
Israel, quốc gia đi đầu thế giới về tiêm vắc xin ngừa Covid-19, vừa cho biết, tỷ lệ ca nhiễm hàng ngày ở nước này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Nước này hiện cố gắng ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta của virus corona.
Theo hãng tin AP, nhà chức trách Israel đang chạy đua tiêm phòng cho trẻ em và cân nhắc siết chặt hơn nữa các hạn chế đi lại tại sân bay chính ở nước này.
Bộ Y tế Israel ngày 1/7 thông báo, số ca nhiễm trong vòng 24h ở nước này là 307, cao nhất trong gần 3 tháng và tăng từ mức 293 trường hợp trong một ngày trước đó. Bộ này dự báo, số ca nhiễm sẽ còn tăng trong vài ngày tới, làm dấy lên lo ngại Israel có để bị đẩy trở lại khủng hoảng.
Trong vài tháng gần đây, Israel đã tái mở cửa trường học, các khu vực tổ chức sự kiện, hoạt động kinh doanh, dỡ bỏ hầu hết các hạn chế sau khi tiêm chủng cho 85% dân số trưởng thành. Thủ tướng Israel Bennett ngày 1/7 thông báo sẽ tiêm chủng cho hàng nghìn trẻ vào giữa tháng này.
WHO yêu cầu phương Tây công nhận vắc xin của Trung Quốc
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bất cứ vắc xin ngừa Covid-19 nào mà tổ chức này đã phê chuẩn để sử dụng khẩn cấp đều nên được các nước công nhận khi họ mở cửa biên giới.
Động thái này có thể thách thức các quốc gia phương Tây chấp nhận hai loại vắc xin của Trung Quốc vốn được tổ chức y tế của Liên Hợp Quốc cấp phép nhưng không vượt qua được cửa kiểm duyệt của hầu hết các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngoài các vắc xin được cấp phép như Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson, WHO cũng bật đèn xanh cho hai loại vắc xin do công ty Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc sản xuất.
Hồi tháng 5, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố, chỉ công nhận những người đã tiêm phòng các vắc xin được Cơ quan Dược phẩm châu Âu cấp phép, không bao gồm vắc xin của Trung Quốc.
Ca nhiễm ở châu Âu tăng sau 10 tuần lắng dịu
Người đứng đầu văn phòng WHO khu vực châu Âu cho biết, sự sụt giảm số ca nhiễm Covid-19 trong 10 tuần qua đã kết thúc và một làn sóng lây nhiễm mới đang chuẩn bị ập tới nếu mọi người không giữ kỷ luật.
Tiến sĩ Hans Kluge ngày 1/7 cho hay, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng 10% trong tuần qua do sự gia tăng về đi lại, tụ tập và nới lỏng các hạn chế xã hội. Ông cảnh báo rằng biến thể Delta dễ lây nhiễm có thể thống trị ở châu Âu vào tháng 8.
Tiến sĩ này cho biết, những người muốn du lịch và tụ tập trong mùa hè này nên tiếp tục đeo khẩu trang.
Hoài Linh