Ca nhiễm Covid-19 tăng, người Mỹ trút giận lên ai chưa tiêm vaccine
Nhiều người Mỹ cho rằng những ai từ chối tiêm vaccine cần phải chịu trách nhiệm với tình hình dịch bệnh tái bùng phát hiện nay.
Khi các ca nhiễm Covid-19 tái bùng phát toàn quốc, nhiều người Mỹ đã tiêm chủng cảm thấy mất kiên nhẫn với các cá nhân khước từ vaccine.
Họ cho rằng những người này vẫn bám vào các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch, bỏ bê nghĩa vụ công dân ngay cả khi đứng trước thực trạng phòng cấp cứu đầy bệnh nhân mới và lệnh đeo khẩu trang được áp dụng trở lại, theo New York Times.
Dịch bùng phát mạnh trở lại
Xứ cờ hoa tưởng chừng đã thoát khỏi đại dịch. Cách đây chưa đầy một tháng, người ta có thể cảm nhận thấy niềm vui được ăn mừng.
Nhưng giờ đây, nhiều trong số những người đã tiêm chủng lại cảm thấy lo sợ cho đứa con chưa được tiếp cận vaccine, hoặc bản thân vẫn có nguy cơ nhiễm thể đột biến của nCoV.
Tỷ lệ số ca bệnh mới gia tăng làm trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại của các văn phòng và trường học, đồng thời đe dọa một làn sóng Covid-19 khác tràn vào những bệnh viện ở nhiều khu dân cư.
“Càng ngày, tôi càng tức giận hơn”, Doug Robertson (39 tuổi), một giáo viên sống vùng ngoại ô Portland (bang Oregon), cho biết. Anh có 3 đứa con còn quá nhỏ để được tiêm chủng, trong đó một bé ở độ tuổi mới biết đi và gặp tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
“Giờ đã có vaccine và tia hy vọng chấm dứt đại dịch. Vậy mà một số người chọn không theo hướng đó. Các bạn đang khiến tương lai tăm tối hơn với gia đình tôi và nhiều công dân khác chỉ vì lựa chọn đó”, Robertson khẳng định.
Ngày 26/7, Thị trưởng New York Bill de Blasio yêu cầu tất cả người lao động của thành phố phải tiêm vaccine Covid-19 đủ liều trước khi các trường học mở cửa trở lại vào giữa tháng 9, hoặc đối mặt với cuộc xét nghiệm hàng tuần.
Giới chức bang California cũng đưa ra chỉ thị vài giờ sau đó với nhiệm vụ tương tự, bao gồm tất cả người lao động và nhân viên chăm sóc sức khỏe của tiểu bang.
Cùng ngày, Bộ Cựu chiến binh yêu cầu 115.000 nhân viên y tế đang làm việc phải được tiêm vaccine trong 2 tháng tới, trở thành cơ quan liên bang đầu tiên ra lệnh ủy nhiệm. Gần 60 tổ chức y tế lớn, bao gồm Hiệp hội Y khoa Mỹ và Hiệp hội Y tá Mỹ, cũng kêu gọi tiêm chủng bắt buộc cho tất cả nhân viên chăm sóc sức khỏe.
“Đã đến lúc chúng ta cần đổ lỗi cho những người không chịu tiêm chủng, chứ không phải cá nhân bình thường. Chính những người không tiêm vaccine làm chúng ta thất vọng”, Thống đốc Kay Ivey của bang Alabama nói với các phóng viên vào tuần trước.
Dựa trên cơ sở dữ liệu được New York Times theo dõi, 57% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ. Trung bình 537.000 liều/ngày được tiêm cho những người Mỹ đủ điều kiện, giảm 84% so với mức đỉnh 3,38 triệu liều vào đầu tháng 4.
Việc tiêm chủng chậm trễ và lệnh hạn chế dần được dỡ bỏ đã tạo điều kiện cho số ca bệnh gia tăng. Tính đến ngày 25/7, trung bình mỗi ngày nước Mỹ có 52.000 trường hợp mắc Covid-19 mới, tăng 170% so với 2 tuần trước đó. Tỷ lệ nhập viện và tử vong cũng đang tăng lên.
Các khu dân cư từ San Francisco (bang California) đến Austin (bang Texas) khuyến cáo những người đã tiêm chủng nên đeo khẩu trang trở lại tại các không gian công cộng trong nhà.
Trách nhiệm của những người chưa tiêm vaccine
Nỗi thất vọng, tức giận làm căng thẳng các mối quan hệ của nhiều người Mỹ, ngay cả giữa các thành viên thân thiết trong gia đình họ.
Josh Perldeiner (36 tuổi), một ông bố ở bang Connecticut có con trai 2 tuổi, đã được tiêm phòng đầy đủ vào giữa tháng 5.
Tuy nhiên, một người thân thường xuyên ghé thăm gia đình anh lại từ chối tiêm, bất chấp việc Perldeiner và các thành viên khác trong gia đình đã thúc giục cô sớm nhận vaccine.
Gần đây, người phụ nữ này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi du lịch tới bang Florida - nơi các bệnh viện đang đầy những bệnh nhân Covid-19. Perldeiner lo lắng rằng con trai mình, người chưa đủ tuổi tiêm vaccine, có thể đã bị phơi nhiễm.
“Tình trạng này không chỉ khiến mỗi chúng tôi gặp rủi ro. Những người có đặc quyền đang từ chối vaccine, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và kéo dài đại dịch. Tôi có cảm giác như chúng ta đang ở tình thế giống năm trước - hồi mọi người chẳng quan tâm nếu có thêm ca tử vong”, anh nói.
Dù đã được tiêm phòng đầy đủ, Aimee McLean (46 tuổi) - người phụ trách hồ sơ y tá tại Bệnh viện Đại học Utah ở thành phố Salt Lake (bang Utah) - vẫn lo rằng bản thân có thể bị lây Covid-19 từ bệnh nhân, rồi vô tình truyền cho cha của cô - người mắc bệnh phổi mạn tính nghiêm trọng.
Hiện chưa đầy 1/2 dân số bang Utah được tiêm vaccine đủ 2 mũi. McLean đề nghị các công ty bảo hiểm sức khỏe nên liên kết hóa đơn viện phí với việc tiêm chủng. Nữ y tá cho biết: “Những người từ chối tiêm vaccine nên chịu trách nhiệm về hậu quả họ gây ra”.
Bên cạnh đó, nhiều trường đại học không yêu cầu sinh viên và nhân viên nhà trường tiêm vaccine dù có quyền hành. Điều này khiến những cá nhân đã tiêm chủng cảm thấy phẫn nộ.
“Chúng ta tôn trọng quyền tự do của những người từ chối tiêm vaccine, vậy những người đã tiêm vaccine thì sao?”, Elif Akcali (49 tuổi), giảng viên dạy môn kỹ thuật tại ĐH Florida, ở thành phố Gainesville (bang Florida), cho biết.
Trường đại học này không yêu cầu sinh viên phải tiêm phòng. Song với tỷ lệ ca nhiễm mới tăng cao tại bang Florida, nữ giảng viên lo lắng về việc bản thân bị phơi nhiễm.
Cần thời gian thuyết phục
Sự phẫn nộ gia tăng trong cộng đồng những người đã tiêm chủng có thể dẫn đến sự ủng hộ đối với các biện pháp cưỡng chế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt và tẩy chay xã hội có thể gây phản tác dụng, dập tắt nỗ lực đối thoại và tiếp cận những người chưa tiêm vaccine.
“Bất cứ điều gì làm giảm cơ hội đối thoại và thuyết phục đều không phải điều tốt đẹp. Chúng ta vốn ở trong hệ thống thông tin bị cô lập, nơi mọi người chỉ nghe thấy tiếng dội âm của riêng họ”, Stephen Thomas, Giáo sư về quản lý và chính sách y tế tại Trường Y tế Công cộng Đại học Maryland, nói.
Sự thuyết phục nhẹ nhàng và dai dẳng đã làm mềm lòng Dorrett Denton (62 tuổi), một phụ tá y tế tại nhà ở quận Queens (thành phố New York), khiến bà quyết định đi tiêm phòng vào tháng 2.
Sếp liên tục thúc giục Denton đi tiêm vaccine, song chính bác sĩ của bà mới là người thuyết phục thành công.
“Cô ấy hỏi tôi rằng: ‘Cô đã tới phòng khám của tôi từ năm 1999. Đã bao nhiêu lần tôi thực hiện phẫu thuật cho cô, và mạng sống của cô nằm trong tay tôi? Cô tin tưởng tôi với mạng sống của mình mà, phải không?’”, Denton kể lại.
“Và cô ấy khuyên rằng tôi nên tin thêm lần nữa vào vụ vaccine này”, bà nói.