Ca nhiễm tăng lại đe dọa nỗ lực chống dịch của Hàn Quốc
Virus corona tái bùng phát ngay tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nơi tập trung gần một nửa dân số cả nước, khiến việc truy vết dịch gặp nhiều khó khăn.
Mới vài tuần trước, Hàn Quốc vẫn đang ăn mừng những thành công mà họ phải khó nhọc lắm mới giành được trong cuộc chiến chống Covid-19.
Giãn cách xã hội được nới lỏng. Trường học mở cửa trở lại. Tổng thống Moon Jae In tự tin quảng bá "K-Quarantine", chiến dịch dùng công nghệ để chống virus của riêng Hàn Quốc.
Tháng 5, hệ thống y tế bất ngờ ghi nhận một đợt bùng phát mới. Tâm điểm lần này là Seoul, nơi có gần một nửa dân số cả nước. Câu chuyện thành công của quốc gia 51 triệu dân đang bị đe dọa.
Giới chức y tế cảnh báo nếu không lập tức hành động, Hàn Quốc sẽ đối diện "làn sóng thứ hai" của Covid-19.
Nguy cơ tâm dịch mới
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 11/6 báo thêm 45 ca nhiễm mới. Mức tăng mỗi ngày khá ổn định kể từ cuối tháng 5. Điều đáng lo ngại là: Phần lớn bệnh nhân ở khu vực đô thị Seoul.
"Nếu xét khả năng truyền nhiễm nhanh của Covid-19, chúng ta khó giảm được tốc độ lây lan chỉ với truy vết tiếp xúc", Yoon Taeho, quan chức cấp cao Bộ Y tế Hàn Quốc, trả lời họp báo ngày 11/6.
Bất chấp các lo ngại về y tế, giới chức Hàn Quốc vẫn ngại áp dụng biện pháp giãn cách xã hội mạnh tay hơn chỉ sau khoảng 1 tháng nới lỏng. Họ không muốn nền kinh tế mong manh vì đại dịch lại chịu thêm áp lực.
Trái với tâm lý do dự của chính phủ, giới chuyên gia y tế cho rằng tình hình đang vô cùng cấp bách. Giám đốc KCDC Jung Eun Kyeong lo sợ Hàn Quốc sẽ "mộng du" bước vào cuộc khủng hoảng Covid-19 mới với quy mô lớn.
Bà nhấn mạnh việc truy vết lây nhiễm đang ngày càng khó khăn. Hoạt động xã hội đã gia tăng và người dân ít thực hành giãn cách hơn khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng và khó lường.
Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Kwon Jun Wook cũng chia sẻ mối lo ngại của KCDC. Trong họp báo ngày 11/6, ông Kwon thừa nhận hệ thống y tế Hàn Quốc đang trong tình trạng "đuổi theo lây nhiễm sau khi phát hiện chậm trễ".
Trận chiến phức tạp hơn
Số ca nhiễm ghi nhận hàng ngày tại Hàn Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn tháng 2 và tháng 3.
Vào cao điểm của làn sóng bùng phát thứ nhất, mỗi ngày KCDC thống kê được hàng trăm ca nhiễm mới. Tuy nhiên, lây nhiễm khi đó lại dễ truy vết hơn. Phần lớn tập trung vào sự kiện tụ họp đông người tại nhà thờ Daegu, thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc với chỉ 2,5 triệu dân.
Trong khi đó, các ổ dịch ở Seoul có mức phân tán cao. Điểm nóng lây nhiễm nối tiếp xuất hiện ở mọi nơi trong thành phố.
Ít nhất 146 ca bệnh đã được xác nhận có liên quan đến công nhân một nhà kho của Coupang, gã khổng lồ thương mại điện tử của Hàn Quốc.
Đã có cáo buộc tập đoàn không có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 và ép nhân viên làm việc dù đã báo bệnh.
Khoảng 200 ca nhiễm khác có liên hệ với nhiều hộp đêm và địa điểm giải trí nội đô. Ngoài ra, có ít nhất 90 bệnh nhân khác từng tham dự thánh lễ tại các nhà thờ trong thành phố.
Đặc biệt gây lo ngại là hơn 116 ca nhiễm có liên quan đến nhân viên bán hàng tận nhà của Richway, một công ty cung cấp sản phẩm sức khỏe. Phần lớn nhân viên bán hàng nằm trong nhóm tuổi ngoài 60, vốn có nguy cơ bệnh nặng cao.
Tổng số ca nhiễm của Hàn Quốc đang dần chạm mốc 12.000 người, với 276 ca tử vong. Số ca bệnh cần điều trị đã tăng trở lại và vượt mốc 1.000 người vào tuần này, sau khoảng nửa tháng duy trì ở mức 3 con số.
Vội vàng gỡ cách ly?
Số ca nhiễm tăng vọt tại khu vực thủ đô châm ngòi cho tâm lý hoài nghi rằng giới chức Hàn Quốc đã nới lỏng giãn cách xã hội quá sớm.
Quyết định ban bố từ giữa tháng 4, cho phép cơ sở giải trí và thể thao hoạt động trở lại. Kế hoạch mở cửa trường học từng bước cũng được bật đèn xanh.
Nới lỏng giãn cách xã hội khiến người dân Hàn Quốc mất cảnh giác rõ rệt. Tinh thần cảnh giác đó cùng chiến lược truy vết tiếp xúc đặc biệt hiệu quả đã giúp Hàn Quốc viết nên câu chuyện thành công thời gian qua. Họ vượt qua làn sóng bùng phát thứ nhất mà không cần lệnh phong tỏa.
Giờ đây, Seoul và những thành phố lân cận đang hối hả tái lập kiểm soát. Hàng nghìn hộp đêm, quá bar và phòng karaoke vừa mở cửa không lâu lại phải đóng. Giới chức Hàn Quốc bắt đầu yêu cầu địa điểm giải trí, phòng tập thể thao và tụ điểm ca nhạc lấy thông tin khách hàng bằng mã QR trên điện thoại thông minh.
Bộ Y tế Hàn Quốc và KCDC liên tục kêu gọi người dân trong khu vực Seoul hạn chế tụ tập không cần thiết và các hoạt động công cộng khác. Trong khi đó, dữ liệu do nhà mạng di động, công ty thẻ tín dụng và đơn vị vận chuyển hành khách thu thập cho thấy người dân cuối tuần qua vẫn sinh hoạt như bình thường.
Giới chức Hàn Quốc cho rằng sẽ khó thực thi trở lại các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như trước vì hệ lụy kinh tế. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cảnh báo nền kinh tế quốc gia đang rất yếu và có khả năng suy thoái lần đầu tiên trong vòng 22 năm qua.
Trước mối lo ngại ngày một lớn, giới chức y tế và quản lý bệnh viện Hàn Quốc tuần qua tổ chức diễn tập chia sẻ nguồn lực giữa Seoul và các thành phố lân cận. Mục tiêu là đảm bảo vận chuyển nhanh chóng bệnh nhân cho kịch bản số ca nhiễm tăng vọt, tránh làm quá tải hệ thống y tế.
"Chúng ta cần đầu tư nỗ lực bằng với giai đoạn từ đầu đến nay, thậm chí là nhiều hơn nữa", Kwon Jun Wook cảnh báo.