Ca nhiễm thứ năm mươi…

1. Đích thị là người đàn ông ấy. Ông già ngoại quốc cao lớn, mắt xanh và hàm râu trắng tuyết ấy. “Tây ba lô”, như người dân thường gọi, bởi ông không nề hà việc ngồi xe ôm của anh từ siêu thị về khách sạn. Cuốc xe ôm đáng giá ba mươi nghìn nhưng ông đã hào phóng cho anh luôn hai trăm. Thanks, thanks so much, Sir…. Cúi người cảm ơn ông Tây tốt bụng bằng thứ tiếng tây bồi ngượng nghịu. Not at all. Don’t mention it...; ông Tây tốt bụng cười ngoác, còn thân thiện giơ tay bắt tay anh. Lắc lắc bàn tay to lớn và lông lá của ông Tây, anh nghĩ thầm: đâu cũng có người tốt, không sai…

Vậy mà giờ nghe đâu “cái ông Tây tốt bụng” kia đang nhiễm virus Corona!

Khu khách sạn cách hai hôm còn nườm nượp người ra kẻ vào hôm nay đã vắng ngơ vắng ngắt. Sừng sững hai hàng rào sắt cách ly dựng hai đầu phố có công an đứng gác. Người nào cũng mặt mũi chân tay bao kín mít trông nghiêm như La Hán giữ đền. Vang vang loa phóng thanh truyền đi các thông tin, khuyến cáo. Người ta đang tích cực tìm kiếm, động viên - thậm chí truy lùng - những người đã từng liên hệ, tiếp xúc với Henry Watford, ông du khách người Anh vừa được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều phải được tập trung, cách ly theo dõi để không biến thành nguồn lây nhiễm vô tình cho người khác. Chắc chắn anh là một trong số đó; rõ rồi…

Nhưng có trời mới biết ai là người tài xế xe ôm đã chở ông Watford từ siêu thị về khách sạn hôm kia. Phố xá Việt Nam đâu phải chỗ nào cũng có camera an ninh. Còn ông Watford, chắc chắn ông đã ngồi không ít xe ôm suốt hành trình du lịch “ba lô”, sao nhớ nổi? Anh lẳng lặng lùi, quay xe, rồ máy chạy biến ra khỏi “hiện trường”, mặc kệ người khách muốn đi xe ôm gọi theo ơi ới. Cẩn tắc vô áy náy, chuyện này không đùa được, lỡ cái ông Watford, ông ấy đụng mặt, nhận ra mình thì sao? Chạy hết phố anh mới dừng xe tắt máy tấp vô lề, bật cười cho cái sự thần hồn nát thần tính ngây ngô. Ông Watford đang trong bệnh viện, còn bị cách ly, sao gặp mình được? Kể thì cũng có hơi áy náy; mình không tự giác khai báo, trốn cách ly lỡ xảy ra chuyện gì… Kệ, anh lắc mạnh đầu, cố xua đi cảm giác lướng vướng. Nghe nói cách ly hàng nửa tháng, người ta có của ăn của để không sao, nhà anh thuộc diện làm bữa mai đắp bữa chiều, anh còn là lao động chính duy nhất. Thực tình, có lẽ người ta cũng nói quá - chứ làm gì chở một cuốc xe, cầm tay chưa tới nửa phút mà bệnh đã lây? Xưa nay anh vốn là người khỏe mạnh, rất ít khi đau ốm vặt. Lại nữa, xưa nay vợ chồng anh luôn kính tín trời phật, ăn ở hiền lành. Người hiền được trời phật hộ, mẹ anh ngày còn sống hay bảo vậy…

Sụp mũ bảo hiểm lên đầu, anh nổ máy đưa xe xuống đường chạy sang khu khác. Dẹp nghĩ ngợi sang bên, lo đón khách kiếm tiền cái đã. Thực tình “đứng bến” nơi địa bàn quen cũng được; lý trí bảo không có gì phải sợ nhưng cảm xúc thì vẫn hơi… lướng vướng, bất an. Thôi, sang khu khác cho nó lành!

2. Trưa không về nhà ăn cơm như thường lệ. Ghé quán bình dân làm dĩa cơm bụi hai chục nghìn - xong ra bóng cây hè phố dựng xe chờ khách vừa tranh thủ dựa người lim dim. Chiều, anh tiếp tục nấn ná ngoài đường, đến tối mịt vẫn chưa chịu về. Vợ gọi điện hỏi anh dối loanh quanh, bảo bắt khách chạy đường dài, lỡ chuyến.

Mười giờ đêm, liệu chừng vợ con đã ngủ anh mới mò về. Ngủ thật. Mò mẫm dùng chìa khóa riêng mở cửa, anh dắt xe vào, loay hoay tắm rửa, ăn cơm. Dọn dẹp đàng hoàng đâu đó xong, anh không vào phòng vợ mà rón rén ôm gối mền chui lên căn gác xép.

Sáng, anh canh điện thoại báo thức lúc bốn giờ rưỡi sáng; dậy khi cả nhà còn ngủ; mở cửa, dắt xe đi.

Động thái ấy kéo dài được ba hôm thì bị vợ anh phát giác.

*

Mấy ngày vừa qua với anh thật giống như địa ngục. Tiền vẫn kiếm được nhưng tâm lý bất an trầm trọng. Mà phải tâm lý không đâu; lang thang vạ vật ngoài đường suốt từ mờ đất tới đêm khuya, bải hoải thân xác cũng đành thôi. Biết làm sao, phải hạn chế tiếp xúc với người nhà chừng nào hay chừng đó. Cái anh COVID-19 nghe nói cựa là lây, không thể đùa!

Nhưng… tránh né được người nhà chứ đâu thể tránh người khác, nhất là khách đi xe ôm (nhiều người thậm chí còn không thèm mang găng hay đeo khẩu trang y tế). Đón khách lên xe, anh thấy mình như đang dối lừa họ. Một hành vi bỉ ổi - thậm chí dã man. Dù cố tránh né, giảm thiểu đụng chạm bằng mọi cách; nhưng những lời khuyến cáo vang trên loa phóng thanh (người có tiếp xúc gần với người nhiễm phải tự giác khai báo, tham gia cách ly trong 14 ngày để tránh lây lan cho cộng đồng…) cứ ong ong trong tai anh. Những người khách hàng ngày đi xe ôm ấy - họ mà biết việc bị anh lừa có khi sẽ nổi điên mà hành hung, thậm chí… giết luôn anh chứ chẳng chơi! Toát hết cả mồ hôi. Giờ thì anh thấy oán ông Watford quá đỗi. Cái ông Tây già ấy thật… báo đời báo kiếp, sao không ở nhà nghỉ ngơi bên con cháu cho yên lại sang Việt Nam làm chi, còn mang theo dịch bệnh? Giá mà không có ông Watford sẽ không có cuốc xe ôm định mệnh sáng ấy. Vậy mà đám đồng nghiệp xe ôm thấy anh vớ được “khách Tây” còn bậm môi ghen tức. Nếu biết được tình cảnh khốn khổ của anh bây giờ chắc khối thằng sẽ hả hê lắm. Mình nhận hai trăm nghìn của ông ta làm gì. Hai trăm nghìn, hai triệu, hay… hai chục triệu thì cũng đâu mua nổi sự bình yên? Giờ anh chỉ còn khát khao đến cháy cổ hai chữ bình yên, nhưng muộn rồi…

3. - Có chuyện gì, nói thật với em đi, sao anh không chịu về nhà? Còn không vô phòng ngủ?

- Anh…

Vợ bật khóc:

- Hay anh… có người khác bên ngoài? Đừng ác với em vậy nha…

- Không, bậy nà. Là anh đang… đang cách ly phòng dịch. Anh chạy xe ôm ngoài đường, tiếp xúc phức tạp…

- Anh nói dối. Nhìn anh gầy rộc đi kia. Hay anh… bệnh rồi??

- Không, anh chưa bệnh nhưng mà…

- Không nhưng gì hết, hoặc là anh khai thật, hoặc từ mai em không cho anh ra ngoài chạy xe. Chọn đi!

Lần này là mệnh lệnh.

*

“Muộn còn hơn không”, mệnh lệnh rất chi đanh thép của vợ. “Anh tưởng chỉ mấy đồng bạc đem về nhà là đủ cho mẹ con em sao. Thiếu tiền có thể đi mượn, đi vay, chứ sinh mạng của anh…”. Phải rồi, sinh mạng của anh. Mà đâu phải chỉ riêng sinh mạng của anh, còn sinh mạng của bao nhiêu người khác nếu - nói dại mồm - anh đã bị lây bệnh dịch! Mình ngu thật, chuyện vậy mà cũng không tự nghĩ ra, phải đợi vợ “mở mắt” cho mới biết! Tự dưng anh thấy nhẹ lòng như vừa giải xong một bài toán khó. Vợ phán chắc nịch: anh yên tâm, không có anh em tự biết xoay xở! Người đàn bà chân yếu tay mềm lâu nay tưởng chỉ biết sống dựa vào chồng hóa ra lại bản lĩnh và thông minh hơn anh tưởng. Nàng đã mở ra cho anh con đường sửa sai, quay lại làm một người chính trực, để anh còn kịp chung tay giải quyết cái hậu quả mình lỡ gây ra do nông nổi nhất thời…

4. Bản tin mới nhất về tình hình dịch COVID-19 sáng nay được đồng loạt up lên các trang mạng online và đọc trên sóng phát thanh thành phố. “Đã phát hiện ra ca nhiễm thứ năm mươi dương tính với virus SARS-CoV-2. Đó là một tài xế xe ôm đã từng có tiếp xúc gần với ca nhiễm số 40 là ông Watford, du khách người Anh. Chúng tôi kêu gọi mọi công dân có đi xe ôm của anh NHĐ - chiếc honda wave Alpha màu xanh mang biển kiểm soát 51A-23.XXX - trong các ngày 25, 26, 27/3 hoặc từng tiếp xúc gần với anh Đ trong thời gian trên tự giác ngay lập tức ra trình báo với cơ quan chức năng để được hướng dẫn cách ly; đồng thời tránh tiếp xúc gần với các công dân khác…”.

Y NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/236539/ca-nhiem-thu-nam-muoi%E2%80%A6.html