Ca nô 'cứu thương' trong lũ dữ

Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã vượt mưa lũ, bất kể ngày đêm, kịp thời cơ động bằng ca nô đến tận nhà đưa người bệnh đi cấp cứu, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con những vùng bị nước lũ cô lập...

Tại huyện Đại Lộc, nước lũ đã rút, các lực lượng đang tập trung giúp địa phương khắc phục hậu quả. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam cho biết: “Để giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, trong ngày 13-10, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã huy động 80 cán bộ, chiến sĩ, 40 dân quân phối hợp cùng nhân dân tổ chức dọn vệ sinh các trục đường chính, các trường mẫu giáo; phối hợp với địa phương nắm tình hình gia đình người có công, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ khắc phục hậu quả sau lũ”.

 Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Đại Lộc vượt lũ đưa cụ ông Lý Văn Ba đến bệnh viện cấp cứu. Ảnh: THANH PHƯỚC.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Đại Lộc vượt lũ đưa cụ ông Lý Văn Ba đến bệnh viện cấp cứu. Ảnh: THANH PHƯỚC.

Trước đó, vào sáng sớm 12-10, nhận được tin cấp báo của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Đại Lộc tức tốc sử dụng ca nô cứu hộ xuống thôn Quảng Đại, xã Đại Cường đưa ông Trần Trương, sinh năm 1964 đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam. Ông Trương bị rắn độc cắn, may là bộ đội kịp thời đưa đến bệnh viện nên ông đã được cứu sống. Ông Lý Văn Ba (81 tuổi) ở thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh, sống một mình, nhà bị nước lũ cô lập hoàn toàn, đã suy kiệt sức khỏe cũng được bộ đội dùng ca nô đưa đi cấp cứu kịp thời. Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Đại Lộc còn giúp đưa thai phụ Nguyễn Thị Vy (trú tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) vượt lũ đến bệnh viện để sinh nở; đưa cháu Đặng Hồng Trâm (10 tuổi) ở xã Đại Minh bị chấn thượng sọ não đến bệnh viện cấp cứu... Thượng úy QNCN Lương Anh Tuấn, y sĩ Ban CHQS huyện Đại Lộc kể: “Quãng đường từ nhà cháu Trâm đến bệnh viện dài gần 12 cây số, song do tính chất vết thương của cháu, chúng tôi không dám chạy nhanh. Ngồi trên ca nô, bộ đội vừa tích cực băng bó, sơ cứu, che chắn không để cháu bị ướt, vừa gọi điện thông báo trước với bệnh viện lên phương án, bố trí lực lượng tiếp nhận, điều trị kịp thời”.

Không chỉ có mặt kịp thời đưa người dân đi cấp cứu, những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Đại Lộc đã không quản khó khăn, vất vả, dầm mình trong nước lũ tham gia tìm kiếm vợ chồng nạn nhân Lê Tự Quốc và Lưu Thị Hoài Sương ở thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn bị nước lũ cuốn trôi...

 Trung đoàn 885 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) giúp nhân dân khắc phục mưa, lũ tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Ảnh: THANH PHƯỚC).

Trung đoàn 885 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) giúp nhân dân khắc phục mưa, lũ tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc. Ảnh: THANH PHƯỚC).

Ở TP Tam Kỳ, mưa lũ dồn dập khiến 20 thôn, khối phố của 7 xã, phường ngập chìm trong biển nước. Ngay trong đêm 12-10, 200 suất quà, mỗi suất trị giá 400.000 đồng và 200 thùng mì ăn liền cùng hàng trăm chai nước lọc đã được các lực lượng trao tận tay bà con xã Tam Thăng. Thượng tá Vương Chí Dũng, Chính trị viên Ban CHQS TP Tam Kỳ cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban CHQS thành phố đã chủ động di dời gần 2.000 người dân ở vùng trũng thấp đến nơi an toàn, đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con. Sau khi nước rút, chúng tôi tiếp tục triển khai dọn vệ sinh môi trường, nhà ở, trường học, khử trùng giếng nước để bà con sớm ổn định cuộc sống”.

Trong thiên tai, hoạn nạn, việc cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Quảng Nam luôn xung kích, hết mình cứu giúp nhân dân đã để lại ấn tượng đẹp về Bộ đội Cụ Hồ.

PV, CTV MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ca-no-cuu-thuong-trong-lu-du-640750