Cả nước có gần 14 triệu thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền
Hiện cả nước có khoảng 13,8 triệu thuê bao trả phí dịch vụ truyền hình trả tiền. Dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện khá đa dạng như truyền hình cáp, kỹ thuật số mặt đất, số vệ tinh, di động, phát thanh, truyền hình trên mạng internet.
Thông tin trên được ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết tại Hội thảo Giao ban Công tác quản lý Hoạt động truyền hình trả tiền giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. 6 tháng đầu năm 2020, số thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thuê bao truyền hình truyền thống cơ bản bão hòa, còn truyền hình OTT (dich vụ truyền hình trên nền tảng Internet) tăng trưởng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu.
Ông Nguyễn Chấn, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ (Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử) cho biết, hiện nay cả nước có 35 doanh nghiệp tham gia thị trường truyền hình trả tiền, cung cấp gần 300 kênh trong nước và 70 kênh nước ngoài cho người sử dụng dịch vụ. Dịch vụ truyền hình trả tiền đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. "Có thể thời gian tới, một số doanh nghiệp quy mô nhỏ không vượt qua được khó khăn sẽ rút lui khỏi thị trường", ông Chấn nhận định.
Theo quy định mới, hiện nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền được chủ động đăng, phát các nội dung, chương trình và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Thời gian qua, Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử đã phát hiện một số đơn vị vi phạm bản quyền, nội dung thông tin, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình xuyên biên giới. Cục đã xử lý nghiêm 1 đơn vị vi phạm bản quyền và 28 website vi phạm bản quyền.
Bên cạnh đó, Cục cũng có văn bản gửi 16 Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, đề nghị tăng cường công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp truyền hình cáp tại địa phương; hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật về truyền hình trả tiền.
Cũng theo ông Nguyễn Chấn, để thực hiện tốt vai trò của quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền, Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử cũng đã tham mưu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP. Thời gian tới, Cục sẽ tham mưu để Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP làm cơ sở quản lý hoạt động truyền hình theo yêu cầu, đặc biệt là dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới qua mạng. Cục cũng đã đề xuất Bộ Tài chính ban hành thông tư sửa đổi Thông tư số 307/TT-BTC ngày 15/11/2016 về chế độ thu phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2021.
Dịp này, Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin Điện tử và Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã trao bằng khen cho 5 doanh nghiệp vì đạt nhiều kết quả tốt trong kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền.