Cả nước có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, đến tháng 10/2023, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Sáng ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn”. Hội nghị nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn; thảo luận về các giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm, giải pháp công nghệ số, giải pháp đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm trong các hệ thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Cả nước có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Hải Anh

Cả nước có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Hải Anh

Thông tin tại hội nghị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa), đặc biệt là thực phẩm tươi sống.

Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại.

Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Hải Anh

Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Hải Anh

Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước.

“Các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc xây dựng thí điểm chợ an toàn thực phẩm. Đến tháng 10/2023, toàn quốc đã có hơn 200 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm” - bà Lê Việt Nga cho biết thêm.

Bà Lê Việt Nga cũng khẳng định, Vụ Thị trường trong nước sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép trong các nội dung công tác thường xuyên, nhiệm vụ được giao như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bình ổn thị trường, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...”.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ca-nuoc-co-hon-200-mo-hinh-cho-bao-dam-an-toan-thuc-pham-139537.html