Cả nước còn 1.720 viên, Tamiflu bị hét giá tiền triệu
Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện tại cả nước chỉ còn 1.720 viên Tamiflu. Như vậy, với giá tiền triệu, gấp nhiều lần giá cũ, người dân cũng khó có thể mua được loại thuốc này.
Trước tình trạng dịch cúm gia tăng, thuốc Tamiflu khan hiếm, chiều 23/12, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, tiếp tục phát đi thông tin kêu gọi người dân không dùng thuốc này bừa bãi.
Số lượng còn rất hạn chế
Đơn vị này cho hay hiện nay, số lượng thuốc Tamiflu 75 mg tồn kho tại công ty phân phối là 1.720 viên. Cục Quản lý Dược đã điều động 1.000 viên thuốc Tamiflu 75 mg cho Bệnh viện Nhi Trung ương. Lô hàng nhập khẩu 50.000 viên thuốc Tamiflu dự kiến được nhập khẩu về Việt Nam vào ngày 26/12.
Lô thuốc Tamiflu tiếp theo khoảng 140.000 viên 75 mg sẽ tiếp tục được nhập khẩu về trong tháng 1/2020.
Trước đó, việc thiếu thuốc trị cúm Tamiflu 75 mg đã xảy ra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã không còn thuốc Tamiflu 75 mg để điều trị cho bệnh nhân do công ty không tiếp tục ký hợp đồng và cung ứng thuốc cho bệnh viện. Trong khi đó, công ty cung cấp thuốc cho Bệnh viện Nhi Trung ương đã hết hàng, không đủ khả năng cung ứng thuốc này.
Theo khảo sát của Zing.vn, thuốc Tamiflu 75 mg hiện rất khan hiếm, nhiều người phải săn lùng tìm mua với giá 150.000-180.000 đồng/viên, cao gấp 4-5 lần so với giá 45.000 đồng trước đây.
Chiều 23/12, theo khảo sát của phóng viên tại một hiệu thuốc lớn trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội, chủ hiệu thuốc cho hay giá thuốc Tamiflu đã "leo thang" tới 2 triệu đồng/vỉ nhưng vẫn "cháy hàng".
Chỉ dùng Tamiflu khi được kê đơn
Cục Quản lý Dược đề nghị người dân không tự ý điều trị, chỉ sử dụng thuốc Tamiflu khi được bác sĩ kê đơn. Việc tự sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ sẽ không đảm bảo an toàn và gây kháng thuốc.
Người dân khi có triệu chứng bệnh cúm cần đến các cơ sở khám chữa bệnh để được các bác sĩ khám bệnh và căn cứ vào mức độ bệnh theo hướng dẫn, điều trị và chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa, nếu cần thiết mới kê đơn thuốc điều trị.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh , Bộ Y tế, khuyến cáo Tamiflu không phải thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ hỗ trợ điều trị. Trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải phương án số một.
TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng cho hay khi bị cúm, có 3 việc còn quan trọng và hiệu quả hơn uống Tamiflu là hạ sốt, kiểm soát nhiệt độ dưới mức 38,5 để tránh co giật: Chú ý vệ sinh đường hô hấp bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc miệng hàng ngày để vệ sinh họng, làm sạch vi khuẩn, tránh bội nhiễm, hạ sốt nhanh hơn; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.