Cả nước còn thiếu 63.920 phòng học bộ môn, 59.514 phòng học chưa được kiên cố hóa

Ngoài ra, cả nước còn thiếu 2.086 thư viện để bảo đảm tiêu chí mỗi trường phổ thông có 1 thư viện.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho thấy, hệ thống cơ sở vật chất trường học ngày càng được mở rộng về quy mô, chất lượng từng bước được nâng cao và chuẩn hóa.

Tình trạng phòng học 3 ca, phòng học tạm đã giảm đáng kể. Hệ thống thiết bị dạy học được tăng cường, hiện đại hóa.

 Cả nước vẫn còn nhiều lớp học chưa được kiên cố (ảnh minh họa- nguồn internet).

Cả nước vẫn còn nhiều lớp học chưa được kiên cố (ảnh minh họa- nguồn internet).

Cả nước có 465.530 phòng học các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 406.016 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 87,42%.

Cơ bản các trường đều có phòng học bộ môn, thư viện. Tổng số phòng học bộ môn trong cả nước là 87.426 phòng. Nhiều địa phương đã ưu tiên đầu tư bổ sung phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ ở cấp tiểu học. Cả nước hiện có 211.572 bộ thiết bị dạy học, đạt khoảng 0,5 bộ/phòng.

Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định.

Theo đó, số lượng phòng học chưa được kiên cố hóa còn lớn (59.514 phòng học), nhất là ở cấp tiểu học (tỷ lệ kiên cố hóa mới đạt 82%), gây khó khăn cho chủ trương học 2 buổi/ngày.

Nhiều địa phương có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có tốc độ dân số cơ học tăng nhanh, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hệ thống trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 .

Một số trường học ở khu vực đô thị gặp khó khăn về mặt bằng để mở rộng trường, lớp học và quy định về hạn chế số tầng tối đa của các công trình trường học.

Phòng học, phòng bộ môn xây dựng theo chương trình kiên cố hóa trường lớp học ở một số địa phương có diện tích chưa bảo đảm theo quy định.

Trên phạm vi cả nước, tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của 3 cấp học là 63.920 phòng.

Ở cấp tiểu học mới chỉ có 75,5% số trường có phòng tin học và 55,4% số trường có phòng học ngoại ngữ.

Quy mô, chất lượng thư viện của các cơ sở giáo dục không đồng đều; còn thiếu 2.086 thư viện để bảo đảm tiêu chí mỗi trường phổ thông có 01 thư viện. Nhiều thư viện chưa có phòng đọc cho học sinh.

Một số địa phương thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục một cách cơ học; việc quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học.

Mặc dù các địa phương đã chủ động trong việc rà soát, sắp xếp lại trường, điểm trường, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều điểm trường có quy mô nhỏ, còn nhiều điểm trường lẻ dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

Việc đầu tư xây dựng đủ các phòng học, mua sắm trang thiết bị cho các phòng chức năng ngoại ngữ, tin học cho tất cả các điểm trường lẻ không khả thi.

Bàn ghế học sinh tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn sử dụng bàn ghế loại 4 chỗ ngồi kiểu cũ không phù hợp với mô hình học tập.

Tại một số địa phương không tiến hành khảo sát nhóm chiều cao trung bình của học sinh trước khi mua sắm, mua sắm đồng loạt một cỡ số, bố trí học sinh ngồi tại một phòng học từ đầu cấp đến cuối cấp.

Về thiết bị dạy học, tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%.

Cấp Tiểu học có tỉ lệ đáp ứng 56,1%; trung học cơ sở có tỉ lệ đáp ứng 54,3% và trung học phổ thông có tỉ lệ đáp ứng 58,9%.

Số lượng bộ thiết bị cần bổ sung lớn trong khi việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Nguyên nhân chính là do các công ty không sản xuất sẵn để bán nên nguồn cung hạn chế, không có mẫu để duyệt giá; thiếu hướng dẫn về tiêu chuẩn định mức, kỹ thuật tạo thuận lợi cho đấu thầu.

Máy tính được trang bị tại các phòng học bộ môn Tin học mới đáp ứng nhu cầu cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, đã được trang bị từ lâu. Thiết bị chuyên dùng của phòng học bộ môn ngoại ngữ còn thiếu, chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.

Việc mua sắm thiết bị dạy học trong giai đoạn đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều vướng mắc về quy trình thẩm định giá trang thiết bị dạy học; nhiều đơn vị sản xuất chưa kịp sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm, thiết bị mới; công tác đấu thầu, mua sắm ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ca-nuoc-con-thieu-63920-phong-hoc-bo-mon-59514-phong-hoc-chua-duoc-kien-co-hoa-post260387.html